Chính trị - Xã hội

Đánh thức "bờ đông"

08:34, 01/05/2016 (GMT+7)

Từ ngày 1-1-1997, khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, một vùng đất rộng phía bờ đông sông Hàn tuy đã lên quận, lên phường nhưng vẫn vật lộn với đói nghèo, nhếch nhác. Khi dự án đường Bạch Đằng Đông triển khai và tiếp đó là hàng trăm dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị, vùng đất bên kia sông Hàn bắt đầu thay da đổi thịt, mang diện mạo khang trang, đẹp đẽ.

Đường Trần Hưng Đạo ngày nay, tuyến đường đầu tiên được mở nhằm đánh thức vùng đông sông Hàn.
Đường Trần Hưng Đạo ngày nay, tuyến đường đầu tiên được mở nhằm đánh thức vùng đông sông Hàn.

Khởi đầu gian khó

Vào thời điểm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có khoảng 650 nhà chồ, tập trung ở các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ban đêm, ở “bên ni Hàn” nhìn sang “bên tê Hàn” hiu hắt những ngọn đèn dầu tù mù trong căn nhà chồ vách ván dập dềnh trên sóng nước.

Nhiều câu vè về “quận ba”, về phận người ở những căn nhà chồ ấy nghe thật não nuột... Vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo thành phố cùng với lãnh đạo quận đã đặt vấn đề làm sao để Sơn Trà sớm vươn lên.

Để giải bài toán phát triển, vấn đề quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được đặt ra và thực hiện trước hết. Ngay trong năm 1997, thành phố triển khai nghiên cứu, thiết kế và các công tác nhằm sớm xây dựng tuyến đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo) và cầu Sông Hàn.

Đường Bạch Đằng Đông là công trình đầu tiên đánh thức vùng đông sông Hàn với thách thức rất lớn về vốn đầu tư, áp lực về đất bố trí tái định cư cho hàng ngàn hộ giải tỏa... Được triển khai thực hiện từ giữa năm 1997, đến cuối tháng 3-1998, đã giải tỏa được 1.940m đầu tiên trong tổng số 4.000m của dự án.

Đến ngày 19-5-1998, khi tổ chức lễ khởi công xây dựng 1.600m đầu tiên của công trình (từ đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đến km1+600), vệt san ủi mặt bằng đã đến gần bến phà với 955 hộ dân giải tỏa, trong đó có hàng trăm hộ nhà chồ (bố trí tái định cư 931 hộ). Một phần bờ đông sông Hàn đã hiện ra thoáng đãng và hứa hẹn từ thành công ban đầu này mở ra tương lai cho vùng đất phía đông thành phố.

Song song với vệt giải tỏa công trình đường Bạch Đằng Đông, thành phố cũng giải tỏa 25ha đất ở phường An Hải Tây để xây dựng hai khu dân cư là An Trung và An Mỹ, tổng cộng 1.099 lô đất với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước đầy đủ. Tiếp đó, giải tỏa, xây dựng 3 khu dân cư: An Hải Bắc 1, An Hải Bắc 2 và An Hòa với tổng diện tích 18ha, đủ bố trí 1.200 lô đất.

Thời điểm đó, nói về dự án tái định cư, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban quản lý Bạch Đằng Đông (nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố) cho biết: “Số dân có nhu cầu bố trí đất tái định cư lớn nhưng hầu kết các KDC không khai thác được quỹ đất bao nhiêu nên Ban quản lý dự án gặp thêm nhiều khó khăn về vốn thi công và đền bù giải tỏa.

Ban quản lý phải vay tiền ngân hàng để lo đền bù giải tỏa; còn các chủ đầu tư và nhà thầu tự lo vốn thi công, chờ khai thác quỹ đất xong hoàn trả lại. Vì thế, dự án luôn trong tình trạng thiếu vốn, nếu không khéo xoay sở sẽ ách tắc ngay.

Việc giải phóng mặt bằng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, phải tốn rất nhiều thời gian giải thích, vận động. Trong khi đó, yêu cầu của thành phố về tiến độ con đường lại luôn cấp bách, toàn bộ công trình đồ sộ này hoàn thành trước năm 2000. Nếu không nỗ lực hết sức, khó hoàn thành khối lượng được đúng yêu cầu”.

Đô thị lớn, hiện đại phía đông thành phố

Đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-2000), cầu Sông Hàn được khánh thành và đi vào hoạt động, không chỉ tạo nên biểu tượng mới của Đà Nẵng mà quan trọng là tạo cú hích cho phát triển phía đông thành phố.

Từ đây, quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị được tăng tốc, trong đó hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch hoàn thành như: đường Ngô Quyền (mở rộng trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây), đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Thoại, Yết Kiêu; cầu Thuận Phước, cầu Rồng, mở rộng cảng Tiên Sa, đường bao quanh và các dự án du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, âu thuyền Thọ Quang, cụm dịch vụ thủy sản Thọ Quang, hàng chục công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi, chợ và sự hình thành các khu dân cư mới: Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Thọ Quang…

Những công trình quan trọng đó đã tạo cho Sơn Trà diện mạo, động lực mới, mở ra các khả năng phát triển lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo thế liên hoàn vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, ngày 10-7-2006, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Kết luận 03-KL/TU xác định: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố xác định quận Sơn Trà là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ và kinh tế biển của thành phố. Xây dựng quận Sơn Trà sớm trở thành đô thị lớn, hiện đại phía đông thành phố, là một trong những quận trọng điểm về phát triển du lịch - dịch vụ, công nghiệp và thủy sản”.

Sau gần 20 năm được đánh thức, vùng bờ đông sông Hàn đã đổi thay diệu kỳ trong từng khu dân cư, góc phố nhỏ hay những con đường khang trang, rộng rãi... Dịch vụ du lịch ngày càng phát triển, đang dần biến nơi đây trở thành một thiên đường về tham quan du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, những nỗ lực trong bảo đảm trật tự đô thị, cảnh quan môi trường... làm vừa lòng người dân và du khách.

Định hướng đến năm 2020, quận Sơn Trà tiếp tục phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ lực, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đầu tư và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành dịch vụ du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Sơn Trà.

Theo số liệu từ UBND quận Sơn Trà, năm 1997, tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn quận chỉ đạt 940 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 585 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người từ gần 8 triệu đồng/người lên 43 triệu đồng/người; thu ngân sách từ gần 7 tỷ đồng tăng lên hơn 300 tỷ đồng;... 

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.