Ngày 31-12-2015 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Hòa Vang khi Chính phủ ban hành Quyết định số 2513/QĐ-TTg công nhận huyện Hòa Vang đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả rất quan trọng và tự hào, tạo tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nhiều doanh nghiệp ra đời ở Hòa Vang đã giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH May Tiến Thắng, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Hệ thống chính trị và người dân cùng xây dựng nông thôn mới
Bước vào xây dựng NTM, Hòa Vang xuất phát điểm là huyện nông nghiệp duy nhất của thành phố, đời sống nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”, đặc biệt Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy là kim chỉ nam, tạo động lực và khí thế mới để toàn hệ thống chính trị thành phố cùng huyện Hòa Vang chung tay xây dựng NTM. Những cơ chế, chính sách mới ra đời sau đó đã “mở đường” thông thoáng để Hòa Vang huy động sự đóng góp của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển nông thôn.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Đình Hồng chia sẻ, quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ huyện lúc bấy giờ xác định NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Do vậy, phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã, kế thừa lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn. Tiêu biểu là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phong trào nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, phong trào dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình…
“Phương châm thực hiện là phát huy nội lực, có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia; đặc biệt phải bảo đảm nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng”, ông Trần Đình Hồng cho biết.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường nhìn nhận, chính sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND và sự chung tay của Mặt trận, các hội, đoàn thể và các địa phương, đơn vị trong và ngoài thành phố đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền huyện tổ chức thực hiện khối lượng công việc khá đồ sộ theo 19 tiêu chí NTM.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Huyện ủy, UBND huyện ban hành 300 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM. Huyện tổ chức nhiều hội nghị, lễ phát động, ra quân và nhiều buổi làm việc chuyên đề xây dựng NTM.
“Bên cạnh quán triệt, chỉ đạo tại các hội nghị và cuộc họp, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố thường xuyên cùng lãnh đạo huyện có nhiều chuyến kiểm tra ở cơ sở để kịp thời nắm tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn 11 xã. Nhiều khó khăn, vướng mắc nhờ thế đã khắc phục sớm, mang lại hiệu quả thiết thực”, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương chia sẻ.
Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị
Từ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ các cấp, các ngành, diện mạo NTM nhanh chóng hiện hữu trên đất Hòa Vang. Cơ bản nhất là huyện hoàn thành sớm công tác quy hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi trồng… trong quy hoạch phát triển NTM ở 11 xã.
Nhờ vậy, hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, điện phục vụ sản xuất và chiếu sáng được đầu tư đồng bộ. Các công trình trường học, chợ, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa-thể thao được nâng cấp và xây mới. Nhiều công trình văn hóa, di tích được trùng tu. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, môi trường và các chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật.
Các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị, xã hội từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; 100% cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định. Cuối năm 2014, 100% xã đạt chuẩn về an ninh trật tự xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, huyện đầu tư 240,5 tỷ đồng để hình thành hàng trăm mô hình kinh tế, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân người dân Hòa Vang gần 30 triệu đồng/người/năm.
Điều đáng mừng là người dân Hòa Vang luôn giữ vai trò chủ thể, tích cực sản xuất, đầu tư, góp vốn phát triển các mô hình sản xuất. Trên tinh thần cả thành phố chung tay xây dựng NTM, Ban Dân vận Thành ủy tổ chức các hội nghị ký kết giao ước thực hiện giúp đỡ Hòa Vang xây dựng NTM. Đến nay, hơn 127 lượt đơn vị hỗ trợ 117 tỷ đồng xây nhiều công trình, dự án và các chương trình NTM ở Hòa Vang.
Theo ông Trần Văn Trường, dẫu về đích NTM sớm so với cả nước 5 năm, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang không bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được mà sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí NTM. Huyện phấn đấu nâng thu nhập người dân đạt 40 triệu/người/năm vào năm 2020. Phương châm của địa phương là phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng phục vụ đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn Hòa Vang giai đoạn 2010-2015 hơn 2.411 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 1.394 tỷ đồng, vốn tổ chức, doanh nghiệp 132 tỷ đồng, vốn vay 491,9 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 392 tỷ đồng. (Nguồn: Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình NTM huyện Hòa Vang) |
Bài và ảnh: Việt Dũng