Chính trị - Xã hội

Làm mới việc học tập và làm theo Bác

07:51, 19/05/2016 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ chí Minh là Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng mẫu mực; mãi mãi là niềm tự hào và có sức cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam. Mỗi người phải thường xuyên làm mới việc học tập và làm theo Bác để việc học đó không trở nên nhàm chán, kém hiệu quả.

Làm mới việc học tập và làm theo Bác không có nghĩa là làm khác với tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác mà phải làm đúng quan điểm tư tưởng của Bác và thường xuyên thực hành theo tấm gương đạo đức và phong cách của Người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là thấu triệt nội dung tư tưởng của Người mà quan trọng hơn là phải biến tư tưởng đó thành hiện thực, suốt đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Người đã vạch ra.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải chăm chút cho những lý tưởng đó bằng nhiệt tình và phẩm giá để chúng tạo ra những của cải vật chất và văn hóa mà xã hội cần. Đây mới là vấn đề khó khăn hơn rất nhiều so với việc chỉ học tập những vấn đề về lý luận cách mạng. Đây cũng là vấn đề cần có sự kiên trì, quyết tâm hơn tất cả, vì không như thế thì không thể đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đến thắng lợi cuối cùng.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là học cho mình, học vì mình, nên phải học cả đời, học mãi mãi. Có người nghĩ, Bác cao siêu, vĩ đại như thế thì làm sao có thể học được Bác. Hẳn nhiên, một người như Bác, học đã khó, làm theo càng khó hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là không thể học tập và làm theo Bác được.

Học tập và làm theo Bác không phải để trở thành Hồ Chí Minh, mà để mỗi người trở nên tốt hơn, sống có ích hơn. Bác không phải là một thánh nhân, siêu phàm, trái lại, Bác là người giản dị, gần gũi với tất cả mọi người, nên hãy học tập và làm theo Bác từ những điều bình dị nhất. Không học được tất cả thì hãy học từng ít một, không học được ngay một lúc thì hãy học từ từ, miễn là thực tâm học, quyết tâm học và thường xuyên làm mới việc học tập và làm theo Bác.

Học tập Bác nếu chỉ dừng ở việc học những lời dạy của Bác thôi thì chưa đủ. Chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là minh chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất về những giá trị tư tưởng cách mạng mà Bác đã dạy. Với Bác, đạo đức là cái gốc của người cách mạng; cái lớn nhất trong đạo đức là hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1).

Bởi vậy, học Bác, trước hết là học tập đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác vô cùng trong sáng và cao thượng, là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết.

Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là một tấm gương trong sáng, một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, hết lòng vì nước, vì dân, vì Ðảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc.

Làm mới việc học tập và làm theo Bác chính là rèn luyện tinh thần học tập, phấn đấu kiên trì, không mệt mỏi, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích của mình. Khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, Bác bắt đầu một cuộc sống vất vả, khó khăn. Người kiên trì học tập, trau dồi kiến thức và quan sát. Từ lúc làm phụ bếp trên tàu, Bác đã phải học ngoại ngữ bằng nhiều cách.

Sau này, kể cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người kể rằng, trước mỗi chuyến đi công tác đến những nước mà Người không biết tiếng nước đó, bao giờ Người cũng học lấy mấy câu chào hỏi, khi đến nơi, Người nói rất chuẩn và nhờ đó mà xóa ngay được khoảng cách giữa khách và chủ nhà.

Có bao nhiêu điều cần học và có thể học từ Bác. Cả cuộc đời Bác là sự vận dụng sáng tạo những điều đã học vào thực tiễn cách mạng. Với tri thức và kinh nghiệm tích lũy được, Bác đã có những dự đoán chính xác và đưa ra những quyết định sáng suốt trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình kiên trì học hỏi, phân tích, đúc kết, chứ không phải thần thánh mà biết hết từ đầu. Bác nói với cán bộ: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(2).

Hồ Chí Minh là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Người là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong đó.

Học tập Bác, là học tập phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, học cách ứng nhân xử thế của Bác. Bác là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, cả cuộc đời Người theo đuổi những hoài bão lớn, nhưng cuộc sống của Người lại rất giản dị, yêu thương con người, yêu thiên nhiên và sống lạc quan. Trong con người Bác có sự hòa quyện nhuần nhị giữa lý trí với tình cảm, sự gắn kết rất tự nhiên giữa tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ, với bản lĩnh tinh nhạy của một chính khách và sự khoan hòa nhân ái của một lãnh tụ nhân dân.

Đặc điểm nổi bật ấy tạo ra phong thái Hồ Chí Minh rất độc đáo, không trộn lẫn vào đâu được. Đứng ở cương vị cao nhất của Đảng, của đất nước nhưng Bác đến với mọi người một cách rất bình dị, tự nhiên, không nghi thức, màu mè. Nhờ vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đến thẳng được với trái tim và khối óc của từng người dân, vì người ta cảm nhận được rất rõ tư tưởng và lời nói ấy nhất quán với con người, với hành động, với phẩm cách của người lãnh tụ, tuyệt đối không hề có khoảng cách giữa nói và làm. 

Cả cuộc đời Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”

Bác yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện để có được tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch.

Những tư tưởng, đạo đức cách mạng cao đẹp phải biến thành những thói quen trong cuộc sống của mỗi người. Con người ta ai cũng có ham muốn, nhưng theo Bác, phải hướng những ham muốn vào việc phấn đấu thực hiện những mục tiêu, lý tưởng của cách mạng. Bác dạy:“Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức(3). Khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm đã trở thành đạo đức truyền thống mà toàn Đảng, toàn dân ta luôn phải học tập và làm theo.

Học Bác mà không thực hành theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người, không thường xuyên rèn luyện, làm mới bản thân mình thì cũng như không học. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng giải phóng dân tộc lỗi lạc của thời đại mà còn là một nhà đạo đức cách mạng, nhà văn hóa vô cùng trong sáng và cao thượng.

Đó là một con người sáng tạo, rất sáng tạo, con người đổi mới, thường xuyên đổi mới, đổi mới rất quyết liệt. Con người ấy không chấp nhận bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn. Từ quan điểm, đường lối cho đến cách sống, cách nói, cách viết, Hồ Chí Minh cương quyết chống sự sáo mòn, hướng tới cái thiết thực, đạt tới hiệu quả cao nhất.

Muốn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải học bài học từ chính bản thân Người. Đó là bài học nhất quán giữa tư tưởng và hành động, nói đi đôi với làm, nói thế nào làm thế ấy, không nói một đường làm một nẻo. Hồ Chí Minh không có nhiều những công trình lý luận đồ sộ. Tác phẩm lớn hơn cả mà Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta không chỉ là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh, mà còn là tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học Bác là học cho mình, nên phải tự mình học Bác. Phải thường xuyên làm mới việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của Người để việc học và làm theo đó mỗi ngày thêm hữu ích. 

VÕ CÔNG TRÍ

.