.
Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài 5: Uống chung dòng nước Vu Gia - Thu Bồn

.

Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng như anh em cùng mẹ “Vu Gia - Thu Bồn” sinh ra. Đà Nẵng nằm phía hạ lưu sông Vu Gia, mọi hoạt động dân sinh, kinh tế liên quan đến nguồn nước sông Vu Gia của thành phố đều chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động trên vùng thượng nguồn thuộc tỉnh Quảng Nam.

Sông Vĩnh Điện đoạn hợp lưu với sông Thu Bồn. 											Ảnh: NAM TRÂN
Sông Vĩnh Điện đoạn hợp lưu với sông Thu Bồn. Ảnh: NAM TRÂN

Phối hợp chống nhiễm mặn, thiếu nước

Từ năm 2008 đến nay, tuy giữa hai địa phương còn có những tranh luận xung quanh các tham số, thông số khống chế vận hành xả nước của các nhà máy thủy điện (NMTĐ) và phương pháp tính toán, nhưng đều thống nhất chung về giải pháp, chủ trương để giảm thiểu ảnh hưởng bởi thủy điện xả lũ và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa kiệt cho hạ du, đặc biệt là hạ du sông Vu Gia gồm huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. Chẳng hạn, năm 2009, Đà Nẵng và Quảng Nam cùng thống nhất đề nghị phải mở cống xả đáy qua thân đập Đăk Mi 4 với lưu lượng lớn để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho vùng hạ du sông Vu Gia trong mùa kiệt. Sau đó, Chính phủ chỉ đạo NMTĐ Đăk Mi 4 phải bố trí cống xả đáy với lưu lượng xả tối đa 25m3/s, gấp 3 lần đề nghị trước đó của Bộ Công thương.

Năm 2013, tỉnh Quảng Nam đắp đập tạm bằng đất ngăn sông Quảng Huế để nước từ sông Vu Gia chảy thẳng về Đà Nẵng, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Tiếp đó, cả hai địa phương cùng kiến nghị và Bộ NN&PTNT xây dựng đập điều tiết nước tại cửa sông Quảng Huế để giảm lượng nước phân lưu từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn. Cũng từ năm 2013, tỉnh Quảng Nam đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt hằng năm trên sông Vĩnh Điện, đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu, để cấp nước cho thị xã Điện Bàn và hơn 100ha lúa ở quận Ngũ Hành Sơn.

Hằng năm, hai bên thống nhất nhu cầu sử dụng nước để làm cơ sở tính toán lưu lượng, thời gian xả nước của các hồ thủy điện trong thời kỳ sử dụng nước bình thường, thời kỳ sử dụng nước gia tăng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hai địa phương. Đà Nẵng cũng đã chia sẻ với tỉnh Quảng Nam các sản phẩm trong khuôn khổ dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước Đà Nẵng” về quản lý nước mặt liên quan đến lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết: “Sự phối hợp, tâm sức, trí tuệ và nỗ lực của Đà Nẵng, Quảng Nam cùng các nhà khoa học, chuyên gia của các Bộ, ngành Trung ương thể hiện rất lớn trong việc xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để Chính phủ ban hành vào ngày 7-9-2015. Ở chế độ vận hành mùa cạn, quy trình huy động trữ lượng nước từ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 nhiều hơn, hợp lý hơn trước đây và buộc hồ thủy điện Đăk Mi 4 phải xả nước liên tục về sông Vu Gia một cách thường xuyên. Hơn nữa, quy trình cũng buộc các hồ Sông Bung 4A, Sông Bung 5 phải xả nước không nhỏ hơn lưu lượng về hồ mỗi khi các hồ thủy điện bậc thang phía trên vận hành, bảo đảm dòng chảy sông Vu Gia”.

Còn ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa mới ban hành, trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành các NMTĐ. Trong thời gian qua, Quảng Nam đã điều hành đúng theo nguyên tắc của quy trình, đặc biệt là việc dự trữ nước từ các hồ để bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất trong thời kỳ sử dụng nước gia tăng và nắng nóng. Nhờ nguồn nước dự trữ từ các hồ thủy điện, chúng tôi đã nhiều lần chống những đợt nhiễm mặn nặng một cách dễ dàng”.

Sớm khơi thông sông đào di sản

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, bản chất của việc thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia là do NMTĐ Đăk Mi 4 chuyển gần một nửa lưu lượng nước trong mùa khô từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Một bất lợi nữa cho hạ du là hiện tỷ lệ phân chia nước sông Vu Gia về sông Quảng Huế đã tăng lên gấp đôi so với trước đây, lưu lượng về sông Yên, sông Cầu Đỏ giảm đi và xu hướng này đang tiếp diễn do lòng sông Quảng Huế đang bị xói sâu và mở rộng, trong khi lòng sông Vu Gia đang bị bồi lấp, đáy sông bị nâng lên. Vì thế, phải chọn tiêu chí khống chế mới để điều hành xả nước thủy điện vào mùa kiệt là cao trình mực nước kết hợp lưu lượng nước. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp chỉnh trị tại ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế và nâng cao trình đỉnh đập điều tiết tại cửa sông Quảng Huế từ +2,53m lên +2,9m để đưa tỷ lệ phân lưu nước về sông Vu Gia nhiều như trước đây.

Hơn nữa, Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam nạo vét bồi lấp tại cửa vào sông Vĩnh Điện, đoạn ngã ba sông Thu Bồn - Vĩnh Điện, điều tiết nước từ sông Thu Bồn chảy về sông Vĩnh Điện nhiều hơn và đẩy mặn một phần cho sông Cẩm Lệ. Đây là giải pháp đa mục tiêu, vừa bảo đảm nguồn nước cho hạ du, vừa khơi thông tuyến giao thông, du lịch đường sông từ Đà Nẵng lên thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô Trà Kiệu...

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, giải pháp lâu dài và hữu hiệu nhất là kết hợp xây dựng cửa van ngăn mặn, giữ ngọt khi xây dựng một cây cầu tiếp theo bắc qua sông Hàn. Trên thế giới, các nước tiên tiến đang cố gắng giảm thiểu nước ngọt chảy ra biển vào mùa kiệt. “Trước mắt, đề nghị thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các NMTĐ ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn xả nước đều, giảm thiểu ngắt quãng dòng chảy để khống chế độ mặn của sông Cầu Đỏ, đồng thời có dự trữ nước trong hồ thủy điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt gia tăng vào các tháng 7, 8 và 9 hằng năm”, ông Ảnh nói.

Hiện Đà Nẵng-Quảng Nam phối hợp giám sát các NMTĐ trong việc chấp hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; đồng thời xem xét và lấy ý kiến của cả hai địa phương cùng các cơ quan liên quan của Trung ương đối với việc quản lý các dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn xả thải vào hạ lưu sông; cùng kiến nghị Bộ TN&MT thành lập Ủy ban lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; nỗ lực bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “Xu hướng sông Vu Gia dịch dần về phía nam đổ nước vào sông Thu Bồn là rõ ràng, rất mạnh, nếu có chỉnh trị được thì cũng vô cùng đắt. Cạnh đó, có một khối nâng dạng vòm với đường kính hàng cây số đang chặn dần dòng chảy sông Vu Gia, dẫn đến bồi lắng lòng sông, cản trở dòng chảy về Đà Nẵng. Vì thế, Đà Nẵng và Quảng Nam cần hợp tác khơi thông lại sông Vĩnh Điện để chia sẻ nước cho Đà Nẵng và phát triển du lịch đường sông về vùng đất di sản trên chính dòng sông di sản”.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.