Chính trị - Xã hội

Mẹ nhiễm HIV vẫn sinh con khỏe mạnh

08:44, 28/06/2016 (GMT+7)

Nhiều bà mẹ đang mang thai tin rằng, nếu mẹ bị nhiễm HIV thì chuyện có một đứa con khỏe mạnh là điều không thể. Tuy vậy, nếu mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn từ 2-6%, thậm chí 0%.

Tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: CHÂU GIANG
Tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: CHÂU GIANG

Với chị N.T.H (34 tuổi, quê Quảng Ngãi), đứa con vừa chào đời là niềm hy vọng, giúp chị sống tiếp. “Sau khi cưới nhau được hơn một năm, mình mới biết bị nhiễm HIV từ chồng. Tưởng rằng sẽ mất luôn hy vọng có một mụn con, nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bác sĩ, mình đã có đứa con xinh xắn và khỏe mạnh”, chị H. thổ lộ.

Được tư vấn và tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, chị H. chấp hành nghiêm ngặt yêu cầu của bác sĩ và niềm vui đến khi con sinh ra được chẩn đoán âm tính với HIV.

Chị H.T.N. (29 tuổi, quê Quảng Nam) lại biết mình nhiễm HIV cách đây 2 năm, khi sắp làm mẹ. Niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn thì nỗi lo sợ con gái bé bỏng còn nằm trong bụng mẹ cũng bị nhiễm HIV khiến chị N. đứng ngồi không yên. Thế rồi, tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV tại một bệnh viện ở Đà Nẵng và được tư vấn kỹ lưỡng, chị N. đã sinh ra đứa con bụ bẫm như bao bà mẹ khác. Con của chị dù không thể hưởng dòng sữa ngọt ngào từ mẹ, nhưng nhìn con khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, chị đã cảm thấy may mắn với niềm hạnh phúc vô bờ.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, hơn một năm nay, các cơ sở sản khoa trên địa bàn thành phố xét nghiệm sàng lọc HIV cho gần 20.000 phụ nữ mang thai; qua đó phát hiện 10 phụ nữ nhiễm HIV và 5 trường hợp được tiếp cận điều trị thuốc ARV. Nhờ đó, 10 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị dự phòng bằng ARV. Những trường hợp này đều được tư vấn chăm sóc thai sản, dinh dưỡng và chuẩn bị suốt quá trình từ mang thai cho đến chuyển dạ và sau sinh.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố cho biết, việc điều trị bằng thuốc ARV có vai trò rất quan trọng đối với người nhiễm, cũng như với phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Không chỉ làm chậm lại sự phát triển của HIV, giảm tần suất mắc và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội, việc điều trị ARV sớm còn là biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả.

Theo bà Đào, trên thực tế vẫn còn những phụ nữ mang thai chưa tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân là do họ thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng, nên chưa chủ động tìm đến các dịch vụ y tế. Ngoài ra, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản khiến phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngại tiếp cận các dịch vụ hoặc tiếp cận ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Do vậy, bà Đào cho biết, thời gian đến, cùng với việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. “Chúng tôi sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng thuốc ARV, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền; đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, trong đó tập trung làm giảm sự lây truyền HIV trong phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ”, bà Đào nói.

KIM NGÂN - CHÂU GIANG

.