Chính trị - Xã hội
Chấn chỉnh "loạn" hướng dẫn viên Trung Quốc
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 19 công ty lữ hành quốc tế và 7 chi nhánh chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc. Sự tăng trưởng nóng của thị trường khách Trung Quốc đã dẫn đến một số vấn đề như: các tổ chức, cá nhân người Trung Quốc đến hoạt động không đúng quy định của pháp luật Việt Nam, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh du lịch của thành phố.
Xử lý nghiêm tình trạng người Trung Quốc làm hướng dẫn viên tại Đà Nẵng đang là vấn đề cần thiết để làm sạch môi trường du lịch của thành phố. Trong ảnh: Khách Trung Quốc tham quan Bà Nà. Ảnh: ĐAN TÂM |
Trung bình một tháng có gần 30.000 khách Trung Quốc đến Đà Nẵng. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 360 hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung đã được cấp thẻ và khoảng 60 HDV từ các địa phương khác đến hoạt động. Số lượng HDV như vậy được cho là tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng thực tế, tình trạng HDV du lịch người Trung Quốc tham gia dẫn đoàn ngày càng phổ biến khiến các HDV tiếng Trung người Việt rất bức xúc.
Không chấp nhận làm “sitting guide”
Từng có thời gian làm sitting guide (HDV có thẻ ngồi trên xe để người khác hướng dẫn khách) cho Công ty du lịch Q.Đ, anh L.N kể rằng, sau khi nhận chương trình, HDV tiếng Trung người Việt sẽ điện thoại cho HDV người Trung Quốc hẹn địa điểm đón khách. Các sitting guide lên xe làm nhiệm vụ đếm khách, chuẩn bị nước uống, đến điểm tham quan thì mua vé, đến chỗ ăn thì cùng nhà hàng chuẩn bị thức ăn cho khách…; còn lại là ngồi im; việc thuyết minh, giới thiệu các điểm tham quan, di tích, mua sắm, bán hàng... đã có các HDV người Trung Quốc làm. “Đi được vài tour, thấy xấu hổ quá nên tôi bỏ luôn, dù có tháng không có tour nhưng tôi tìm kiếm tour ngoài chứ không làm như vậy”, HDV L.N cho biết.
Theo các HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng, những năm gần đây, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng đông nhưng có tháng HDV tiếng Trung chỉ đi 1-2 đoàn. Lý giải về điều này, một số HDV tiếng Trung cho rằng, do các công ty du lịch “mọc lên như nấm”, lại trong tình trạng cạnh tranh khốc liệt và không lành mạnh như hiện nay, đa số các công ty đưa khách sang Việt Nam đều hạ giá, bán tour giá rẻ (bằng giá vé máy bay hoặc thấp hơn). Để bù lại các chi phí lỗ và có thể thu lời, các công ty đó đưa khách đến các điểm mua sắm, bán hàng đặc sản… và bán với giá trên trời. Chính các HDV người Trung Quốc này sẽ giới thiệu, thuyết phục khách mua hàng.
HDV người Trung Quốc hiểu khách Trung Quốc thích gì, đánh trúng tâm lý để khách mua sắm càng nhiều càng tốt. Theo HDV tiếng Trung H.A, “HDV viên nào “chém” tốt, thu lợi nhiều cho công ty thì sẽ được công ty đó ưu ái cho dẫn nhiều đoàn, đồng nghĩa với việc những HDV không biết cách “moi tiền” của khách sẽ thất nghiệp”.
Đại diện một đơn vị lữ hành tiết lộ, dù bán với giá thấp hơn giá tour thông thường nhưng các công ty này vẫn thu lời. Bởi lẽ, thay vì đưa khách đi thăm các cảnh đẹp, điểm đến thì trong các chương trình tour, khách bị cắt xén thời gian để được/bị các HDV người Trung Quốc đưa đến các điểm mua sắm của họ.
Khách Trung Quốc đang tham khảo các dịch vụ đi lại trên địa bàn Đà Nẵng. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: NHẬT HẠ |
Không để hướng dẫn viên Trung Quốc thao túng thị trường
Việc các công ty du lịch Trung Quốc gom khách và hợp tác với các công ty du lịch Việt Nam do người Việt điều hành, sắp xếp tour để đưa khách đi tham quan, du lịch là việc đã có lâu nay. Song, ở Đà Nẵng đã và đang xuất hiện tình trạng một số người Trung Quốc sang Việt Nam tự thuê xe, thuê HDV, tự liên hệ đặt phòng, đặt nhà hàng…, hoặc thuê người Việt Nam có tư cách pháp nhân đứng tên mở công ty du lịch, nhưng thực chất các hoạt động du lịch đều do người Trung Quốc điều hành, thao túng. “Tình trạng khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch nhưng do công ty của người Trung Quốc quản lý; người Trung Quốc dẫn đoàn, vào ăn tại các nhà hàng, mua sắm ở các khu điểm do người Trung Quốc xây dựng với các sản phẩm bày bán đa phần chuyển từ Trung Quốc sang thì tiền lại chảy về túi của họ”, một HDV bức xúc.
Trước thực trạng đó, chiều 30-6, Sở Du lịch có cuộc họp với các đơn vị liên quan như Công an thành phố, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại miền Trung (A72) - Bộ Công an, Cục Thuế thành phố, Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện để chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng của các cá nhân, đơn vị hoạt động du lịch trái phép.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 19 công ty lữ hành quốc tế và 7 chi nhánh chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc. Sự tăng trưởng nóng của thị trường khách Trung Quốc đã dẫn đến một số vấn đề như: các tổ chức, cá nhân người Trung Quốc đến hoạt động không đúng quy định của pháp luật Việt Nam, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh du lịch của thành phố. Sở đã báo cáo UBND thành phố và phối hợp với Công an thành phố, các ban, ngành liên quan để xử lý; trong đó đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý tình hình hoạt động lữ hành trái phép. Đến nay đã xử phạt 12 người nước ngoài vi phạm hướng dẫn trái phép, 1 đơn vị lữ hành vi phạm trong hoạt động du lịch trái phép với tổng cộng 215 triệu đồng; đang xử lý vi phạm của 2 đơn vị hoạt động lữ hành về thị trường Trung Quốc.
Hôm nay (1-7), Sở sẽ họp với các HDV tiếng Trung bàn các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối với đội ngũ này và ngày 2-7 sẽ họp với các đơn vị lữ hành khai thác khách Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh, trước mắt, Sở sẽ tăng cường triển khai thanh, kiểm tra các đơn vị, cá nhân người Trung Quốc nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép trên địa bàn thành phố. Xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, HDV Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép nếu phát hiện vi phạm; tiếp tục theo dõi các trường hợp người nước ngoài hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép đã xử lý, nhắc nhở. Nếu phát hiện tái phạm thì đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiến hành các biện pháp trục xuất, cấm nhập cảnh.
Sở cũng đã có văn bản gửi UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn về việc tăng cường quản lý đơn vị kinh doanh du lịch cũng như người nước ngoài cư trú làm việc trên địa bàn và văn bản chấn chỉnh hành vi tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế; tiếp tục nhắc nhở, cảnh báo các đơn vị lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch, HDV về việc không tiếp tay cho các cá nhân, công ty nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép tại Đà Nẵng; chủ động cung cấp thông tin với cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện dấu hiệu hoạt động lữ hành quốc tế trái phép để xử lý theo quy định. Đề nghị Hiệp hội du lịch, Hội lữ hành và CLB Hướng dẫn viên vào cuộc để nâng cao nhận thức của các công ty lữ hành, khách sạn và HDV thực hiện đúng quy định của nhà nước về hoạt động du lịch; không tiếp tay với đối tác Trung Quốc hoạt động chưa đúng quy định.
NHẬT HẠ - ĐAN TÂM