Chính trị - Xã hội
Góp phần nâng cao chất lượng quản lý đô thị Đà Nẵng
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS, KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, trước mắt, Ban Đô thị tập trung những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc nhất là môi trường và trật tự đô thị. Bên cạnh đó, Ban cũng chuẩn bị những vấn đề lâu dài nhằm góp phần nâng cao chất lượng quản lý đô thị với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Đà Nẵng bước sang giai đoạn phát triển chiều sâu đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ quản lý đô thị trong giai đoạn mới. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2016, điểm mới trong tổ chức của HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 là bên cạnh các Ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, có thêm Ban Đô thị. Ngay sau kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa IX, Ban Đô thị đã đi vào hoạt động.
* Thưa ông, có phải Ban Đô thị được thành lập là phù hợp với xu thế phát triển mới của thành phố?
- Ban Đô thị - HĐND thành phố được tổ chức theo Khoản 3, Điều 39 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ban này chỉ được tổ chức đối với chính quyền địa phương ở đô thị. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Đô thị được quy định tại Khoản 5, Điều 108 của Luật này, cụ thể như sau: Ban Đô thị HĐND thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giao thông, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố. Qua đó cho thấy chức năng, nhiệm vụ của Ban Đô thị có phạm vi rất rộng, nhiều lĩnh vực phức tạp đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước cũng như giám sát của HĐND thành phố phải có tính chuyên môn cao.
* Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ban Đô thị và tình hình thực tế của thành phố, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm đang đặt ra cho Ban Đô thị?
- Từ nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, nhất là về hạ tầng cơ sở, hình thành nên diện mạo một đô thị hiện đại, văn minh. Đà Nẵng đang chuyển sang giai đoạn phát triển về chiều sâu, trong đó hướng đến việc trở thành thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Trước hết, chúng tôi tăng cường giám sát từng lĩnh vực trong phạm vi chức năng, từng vụ việc, từng dự án, từng công trình, để từ đó tất cả phải được đánh giá một cách tổng thể, vừa mang tính khách quan, khoa học, vừa có tính hệ thống. Trên cơ sở đó, Ban Đô thị phối hợp với các ban khác tham mưu cho HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng, phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển về kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nhiệm vụ thì nhiều nhưng tôi chỉ nêu những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà Ban Đô thị sẽ chú trọng.
Về quy hoạch đô thị, trước hết là tiến hành giám sát việc thực hiện quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, rà soát quá trình điều chỉnh quy hoạch phù hợp bối cảnh phát triển mới. Trong đó, rà soát hệ thống quy hoạch ngành (giao thông, giáo dục, y tế, môi trường…), quy hoạch hệ thống giao thông ngầm, giao thông tĩnh, quy hoạch phân khu chức năng, điều lệ quản lý kiến trúc cảnh quan và nhất là tăng cường việc giám sát quy hoạch chi tiết, xây dựng đô thị.
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng dự án quy hoạch một khu đô thị khi phê duyệt thì có nhà cộng đồng, có công viên cây xanh nhưng khi triển khai xây dựng thì không còn, hay dự án quy hoạch khu ở nhưng lại chuyển đổi thành nhà hàng, khách sạn… Giám sát quy hoạch để bảo đảm không làm thay đổi bản chất từng dự án, từng khu đô thị, sẽ vô tình phá vỡ tổng thể quy hoạch chung đã được định hướng và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Giám sát để có biện pháp xử lý đối với những dự án chậm triển khai, dự án treo, dự án chiếm đất để không… Bên cạnh đó, Ban sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, lắng nghe các kiến nghị của người dân để góp tiếng nói quan trọng, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chủ trương đúng đắn của thành phố.
Về vấn đề môi trường, sẽ được giám sát một cách khoa học, các giải pháp thực hiện phải cơ bản, xử lý dứt điểm các điểm nóng; đồng thời tăng cường giám sát trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ môi trường sống tốt nhất cho người dân. Một vấn đề khác cử tri đang rất quan tâm và Ban Đô thị đang tập trung chính là việc tăng cường trật tự đô thị, mỹ quan đường phố, an toàn giao thông và nâng cao nếp sống văn minh đô thị. Ban đã đưa vào chương trình công tác nội dung giám sát vấn đề tiếp tục xóa các điểm ngập úng trong thành phố vào mùa mưa, các công trình thoát lũ, phòng chống thiên tai…
* Thưa ông, Ban Đô thị đã có những hoạt động nào sau kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa IX?
- Chỉ trong hơn nửa tháng sau kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa IX, Ban Đô thị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của các thành viên và đi vào hoạt động ngay. Ban Đô thị đã tổ chức 9 chuyến đi giám sát thực tế để nắm tình hình, trong đó có tới 6 cuộc nắm bắt tình hình tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường (Âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn, khu xử lý nước thải Liên Chiểu, kênh thoát lũ Hòa Liên…).
Đây là vấn đề cử tri bức xúc được đặt lên bàn nghị sự của HĐND thành phố nhiều năm qua. Qua việc nắm bắt tình hình ô nhiễm và công tác xử lý chất thải hiện nay của thành phố, chúng tôi đã tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố kiến nghị một số vấn đề quan trọng, trong đó cần sớm đầu tư xây dựng trạm quan trắc môi trường tập trung tiên tiến, giám sát độc lập toàn bộ hoạt động môi trường trên địa bàn thành phố.
Gần đây nhất, Ban Đô thị chủ động khảo sát, nắm tình hình trật tự đô thị trên tuyến đường Bạch Đằng là tuyến đường du lịch của thành phố. Ban đã phối hợp với các Ban khác của HĐND thành phố, mời UBND quận Hải Châu, Sở Giao thông vận tải cùng các ngành liên quan ngồi lại cùng nhau bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục những bất cập trong quản lý trật tự trên tuyến đường này. Qua đó, sẽ kiến nghị UBND thành phố cho thí điểm xây dựng tuyến đường Bạch Đằng thành mô hình mẫu về tuyến đường văn minh đô thị phục vụ du lịch.
* Ông có thể cho biết vài nét về tổ chức của Ban Đô thị HĐND Đà Nẵng?
- Điều đặc biệt là lãnh đạo Ban Đô thị - HĐND thành phố Đà Nẵng và các thành viên khác của Ban đều có trình độ đại học, sau đại học, có chuyên môn phù hợp các lĩnh vực của đô thị. Việc hình thành Ban Đô thị theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2016 với chức năng nhiệm vụ như đã nói ở trên không phải làm nhiệm vụ mới của HĐND thành phố mà là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết, đòi hỏi chuyên môn sâu, đáp ứng sự phát triển của đô thị trong bối cảnh mới, đặc biệt là đô thị Đà Nẵng đang bước sang giai đoạn đô thị hóa tăng cường, thành phố thông minh, chú trọng tiện ích đô thị và nâng cao chất lượng không gian cảnh quan… Ban Đô thị chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thành phố, của những cử tri đã bỏ phiếu cho chúng tôi.
* Cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện