Chính trị - Xã hội

Máy trưởng tàu không số năm xưa

08:13, 07/07/2016 (GMT+7)

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Đích (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), nguyên máy trưởng tàu không số năm xưa, dù đã gần 80 tuổi vẫn xông xáo tham gia hoạt động địa phương và khu dân cư.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đích. 			Ảnh: MINH NGỌC
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đích. Ảnh: MINH NGỌC

Đã 53 năm trôi qua, ông Đích còn nhớ rõ chuyến tàu vào Trà Vinh (năm 1963) mà ông đảm nhiệm ấn kíp nổ hủy tàu nếu bị địch phát hiện. Hồi ấy, khi tàu mắc cạn, chi ủy quyết định chọn 2 đồng chí ở lại tàu để sẵn sàng chiến đấu và hủy tàu, còn lại lên bờ trú ẩn. Xét thấy tàu đang mắc cạn, có thể ảnh hưởng máy móc, nên chi ủy chọn máy trưởng và máy phó ở lại để tiện xử lý. Thuyền trưởng giao ông Đích giữ hai bộ phận gây nổ: Kíp điện và kíp nổ bằng dây cháy chậm, quyết không để tàu rơi vào tay giặc. Ông Đích và máy phó Nguyễn Rôm giả làm các động tác như những ngư dân trên tàu cá, căng mắt quan sát, sẵn sàng cho tàu nổ tung. “Làm nhiệm vụ trên tàu không số, ai nấy đều xác định sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và lúc ấy sự hy sinh đã cận kề trước mắt hai anh em tôi”, ông Đích nhấn mạnh.

Ký ức vẫn vẹn nguyên và sự hăng say quên mình vẫn chưa bao giờ tắt trong ông Đích ngay cả ở những tháng ngày nghỉ hưu. Suốt 22 năm sau khi về hưu (từ năm 1994), ông Đích liên tục tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị. Nhiệm vụ nào ông cũng hết lòng và hoàn thành với hiệu quả cao nhất có thể. Những năm làm Chủ tịch Hội CCB phường Tam Thuận, ông tổ chức các hoạt động nghĩa tình đồng đội, vận động hội viên gương mẫu thực hiện chủ trương bê-tông hóa kiệt, hẻm theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tiếp đó, trên cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, ông đưa tập thể trở thành đơn vị điển hình về phong trào tuổi cao gương sáng.

Hằng năm, ông Đích tích cực tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ bằng cách thường xuyên đến các trường học, chi đoàn thanh niên khu dân cư nói chuyện dựa trên những câu chuyện người thật, việc thật và cách diễn đạt sôi nổi. Đặc biệt, chuyện kể của ông về những trận đánh mưu trí trên Biển Đông và những chiến sĩ quả cảm của Đoàn tàu không số gây xúc động sâu sắc đối với hàng ngàn thanh-thiếu niên. “Sau khi nghe bác Đích kể chuyện, chúng tôi thêm tự hào về lịch sử dân tộc và càng thấy rõ trách nhiệm đối với quê hương, đất nước”, anh Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đoàn phường Tam Thuận chia sẻ.

Hiện nay, với vai trò Phó Bí thư chi bộ, ông Đích cùng cấp ủy, lãnh đạo khu dân cư đạt nhiều thành tích tiêu biểu. Từ kinh nghiệm vận động quần chúng trong những năm tham gia quân ngũ, ông vận dụng vào thực tế công tác dân vận ở một địa bàn có nhiều đồng bào Công giáo. Ông vận động giáo dân nêu cao lẽ sống “tốt đời đẹp đạo”, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người có đạo và không có đạo, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền các cấp.

Người CCB già còn thường xuyên sâu sát với từng hộ dân trong khu phố, tận tình thăm hỏi, động viên, góp ý về cách làm ăn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời quan tâm những trường hợp rủi ro, hoạn nạn. Đồng thời, ông Đích vận động 100% hội viên trong chi hội gương mẫu bảo vệ môi trường, không rải đồ cúng ra đường, hạn chế đốt vàng mã, cùng tham gia ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp… Mới đây, tại quê hương (Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam), ông Đích tự nguyện hiến 200m2 đất mở đường giao thông theo chuẩn nông thôn mới.                                                                 

Ông Tào Hùng, Chủ tịch UBND phường Tam Thuận khẳng định: Những năm qua, CCB Nguyễn Xuân Đích đã góp phần quan trọng xây dựng khu dân cư số 2 trở thành khu phố điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

MINH NGỌC

.