Chính trị - Xã hội

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TẠI BƯU ĐIỆN VĂN HÓA XÃ

Không dễ...

09:05, 09/07/2016 (GMT+7)

Điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) là mô hình của ngành Bưu điện Việt Nam, kết hợp giữa cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản với phổ biến thông tin và đọc sách, báo miễn phí cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, với thực tế hoạt động hiện nay, phát triển văn hóa đọc tại BĐVHX là điều không dễ.

Điểm Bưu điện văn hóa xã Hòa Tiến nằm ở vị trí khá thuận lợi nhưng vẫn chưa thu hút người dân đến đọc sách, báo.  							                 Ảnh: NGỌC HÀ
Điểm Bưu điện văn hóa xã Hòa Tiến nằm ở vị trí khá thuận lợi nhưng vẫn chưa thu hút người dân đến đọc sách, báo. Ảnh: NGỌC HÀ

Người dân thờ ơ

Tại huyện Hòa Vang, 10/11 xã có BĐVHX. Hầu hết các điểm này đều nằm ở vị trí thuận lợi ngay tại trung tâm xã, rất thuận tiện cho giao thông và người dân đến giao dịch, đọc sách, báo. Tuy nhiên, những năm gần đây, các BĐVHX đều thưa vắng người dân đến đọc sách.

Chị Trần Thị Nguyện, nhân viên BĐVHX Hòa Châu chia sẻ, khi khách đến thực hiện giao dịch, chị thường gợi ý, khuyến khích khách đọc sách, báo trong lúc chờ ký giấy tờ, nhưng đa phần mọi người chẳng mấy quan tâm. “Bây giờ phương tiện truyền thông phát triển, nhiều nhà dùng Internet nên họ không màng đến sách, báo như ngày xưa. Vì vậy, sau 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày làm việc tại BĐVHX, tôi còn làm thêm các dịch vụ của bưu điện như bán bảo hiểm y tế tự nguyện, bán sim thẻ điện thoại, hàng tiêu dùng và nhận giải quyết sổ sách để tăng thu nhập ngoài mức phụ cấp 850.000 đồng/tháng”, chị Nguyện cho biết.

Tương tự, tại BĐVHX Hòa Tiến, mặc dù có đến hai tủ sách, nhưng thỉnh thoảng chỉ có vài bạn đọc lớn tuổi và giáo viên trong xã đến mượn. Theo chị Ngô Thị Cúc, nhân viên điểm BĐVHX này, sách dù nhiều nhưng chưa phù hợp với nhu cầu bạn đọc, nhiều sách đã cũ. Để thu hút bạn đọc, cần có thêm nhiều đầu sách hay, mới.

Trong khi đó, theo ý kiến của người dân, một trong những lý do khiến họ thờ ơ với điểm đọc sách, báo tại BĐVHX là thời gian mở cửa không ổn định và nơi đây chẳng khác nào cửa hàng đa dịch vụ, từ buôn bán linh kiện điện thoại, sim thẻ điện thoại, đồ may mặc đến bột giặt, nước rửa chén… Khi chúng tôi đến BĐVHX Hòa Phú vào ngày 22-6, mới 9 giờ nhưng cửa đã khóa (dù thời gian làm việc ghi cố định là sáng từ 8 giờ - 10 giờ, chiều từ 14 giờ-16 giờ). Ông Trần Văn Bảy, một người dân sống gần đó nói: “Chỉ có một nhân viên trực tại đây, nên khi có việc cần ra ngoài họ phải đóng cửa. Vì thế, người dân chủ yếu mượn sách về nhà, chứ ít ai ngồi đó đọc”.

Một mình doanh nghiệp không kham nổi

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho biết, điểm BĐVHX ra đời từ năm 1998, do Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam thành lập, với nhiệm vụ chính gồm: cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, kết hợp đưa thông tin đến người dân nông thôn thông qua Internet và sách, báo. Các điểm BĐVHX được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm nhà làm việc, cùng các thiết bị viễn thông như: điện thoại, máy tính, các loại sách, báo, bàn ghế...

Trong 10 năm đầu, có thể nói mô hình này phát huy tác dụng rất lớn, giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông, thông tin tri thức qua mạng Internet, sách, báo. Nhờ đó, người dân nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật, nâng cao dân trí. Trong khoảng thời gian 2008 đến 2012, hoạt động tại các điểm này có sụt giảm vì 2 lý do. Một là các dịch vụ viễn thông và Internet đã “về” từng nhà dân, hầu hết nhà nào cũng có điện thoại di động, ti-vi. Hai là đơn vị gặp nhiều khó khăn do kinh phí bù đắp từ các hoạt động viễn thông không còn.

Tuy nhiên, từ năm 2013, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có chỉ thị yêu cầu các đơn vị phát động phong trào chung tay vun đắp xây dựng điểm BĐVHX. Bưu điện Đà Nẵng tiến hành sửa chữa khang trang lại các điểm BĐVHX, triển khai kinh doanh đa dịch vụ nhằm mục đích đa dạng hóa dịch vụ phục vụ người dân và nâng cao thu nhập cho nhân viên điểm BĐVHX.

“Song, để BĐVHX trở thành nơi khơi nguồn văn hóa đọc, chúng tôi rất mong các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng đề án với những giải pháp cụ thể và Bưu điện Đà Nẵng sẽ cùng tham gia như kinh nghiệm một số nơi đã làm. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu đọc sách,
báo của người dân chứ với khả năng hiện tại, một mình doanh nghiệp không kham nổi”, bà Nga nói.

Trao đổi thêm về điều này, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho rằng, theo Chương trình phối hợp tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo giai đoạn 2014 - 2020 giữa Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng với Bưu điện Đà Nẵng, Thư viện đã thực hiện luân chuyển sách, báo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại các điểm BĐVHX. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp. Tuy nhiên, phát triển văn hóa đọc tại đây còn nhiều khó khăn khi nguồn nhân lực thường xuyên thay đổi, thời gian mở cửa quá ít… Do đó, chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới văn hóa đọc cơ sở tại các phòng đọc sách của trung tâm văn hóa xã”, ông Thái chia sẻ.

Số liệu điều tra về văn hóa đọc cho thấy, ngay tại trung tâm Đà Nẵng, nơi có nguồn sách phong phú với các thư viện lớn, hiện đại nhưng mỗi năm, một người dân đọc chưa đến 1 cuốn sách! Trong khi đó, nguồn sách cho các điểm bưu điện văn hóa xã thường là sách trao đổi, hiến tặng, thiếu nhiều đầu sách hay, nên việc người dân, đặc biệt là dân nông thôn, miền núi không mặn mà đi đọc sách là điều không khó hiểu.

NGỌC HÀ

.