Chính trị - Xã hội

Chấn chỉnh hoạt động khai thác đất đồi

07:52, 03/08/2016 (GMT+7)

“Cần phải thanh tra, kiểm tra lại các mỏ đất, kể cả những mỏ đã đóng cửa, qua đó truy thu số lượng mà doanh nghiệp khai thác sai phép; đồng thời phê bình, kiểm điểm, thậm chí luân chuyển những cán bộ quản lý khoáng sản lỏng lẻo, có hành vi “nhất bên trọng, nhất bên khinh” doanh nghiệp... để chấn chỉnh công tác khai thác khoáng sản đi vào hoạt động nền nếp…”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh tại buổi họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về công tác quản lý khai thác đất đồi trên địa bàn Đà Nẵng sáng 2-8.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nhiều doanh nghiệp khai thác sai giấy phép

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố đã cấp 40 giấy phép khai thác đất đồi. Đến nay đã có 22 giấy phép hết hiệu lực; 5 giấy phép bị thu hồi do không đưa mỏ vào hoạt động sau 12 tháng và không thực hiện đúng nội dung giấy phép; 3 giấy phép được trả lại do không giải phóng mặt bằng để ký hợp đồng thuê đất; 10 giấy phép hiện còn hiệu lực, trong đó có 6 mỏ hoạt động theo giấy phép khai thác khoáng sản; 4 giấy phép vận chuyển đất dư thừa trong quá trình thi công công trình trên đất quốc phòng. Trữ lượng đất đồi được phê duyệt, cấp phép hơn 27 triệu m3, đã khai thác gần 15 triệu m3. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước với tổng thu gần 28 tỷ đồng.

Theo ông Vinh, bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện tốt, góp phần thực hiện quá trình đô thị hóa thành phố, làm tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước, vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm như khai thác vượt công suất, không bảo đảm môi trường trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, trong những năm qua, các đơn vị quân đội trong quá trình thi công các công trình quốc phòng trên địa bàn Đà Nẵng, nhất là Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp vào thi công, vận chuyển đất dư thừa làm vật liệu san lấp với khối lượng lớn lên đến vài triệu mét khối khi chưa được UBND thành phố cho phép, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, khiến người dân và dư luận bức xúc.

Bên cạnh đó, việc thẩm định hồ sơ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trước đây, UBND các quận, huyện phê duyệt số tiền ký quỹ thấp dẫn đến một số đơn vị sau khi khai thác xong không lập hồ sơ đóng cửa mỏ, hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường làm ảnh hưởng đến cảnh quan tại khu vực.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khai thác sai giấy phép đã được cấp phép. Theo ngành Tài nguyên và Môi trường, điều này diễn ra phổ biến. Ngoài những doanh nghiệp đã làm hồ sơ đóng cửa mỏ, có nhiều doanh nghiệp đang còn giấy phép nhưng khai thác không đúng nội dung giấy phép như: Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty TNHH Đầu tư khai thác khoáng sản Hòa Vang, Tổng Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 5…

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, một số cá nhân, tổ chức đã gửi thư điện tử cho ông khiếu nại một số doanh nghiệp khai thác vượt ranh giới cấp phép, trong đó có sự “ngó lơ” của cán bộ quản lý khoáng sản.

Thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ các mỏ đất

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, trong giai đoạn 2010-2016, UBND huyện đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, qua đó xử phạt 38 trường hợp với số tiền gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sót, dẫn đến tình trạng các mỏ khi đóng cửa thì phục hồi môi trường hời hợt, trồng lèo tèo mấy cây keo, dẫn đến những quả đồi trơ trọi, tạo những hố sâu rất nguy hiểm. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp khai thác đi chung với đường dân sinh dẫn đến ô nhiễm, người dân bức xúc, dân chặn xe, chính quyền phải ra tay can thiệp.

“Những doanh nghiệp khai thác vi phạm giấy phép, theo pháp luật chỉ phạt tột khung khoảng 140 triệu đồng/trường hợp”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết khi Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ hỏi về công tác xử phạt doanh nghiệp vi phạm.

Trước thông tin này, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, như vậy là “không ăn thua”. Ông ví dụ: Nếu ngành chức năng cấp phép cho họ khai thác 3ha, họ khai thác lên đến 4ha, rồi chỉ nộp phạt 140 triệu đồng thì không ăn thua. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu từ nay việc cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản phải có ràng buộc với doanh nghiệp như nếu vi phạm giấy phép khai thác sẽ bị xử lý nghiêm khắc; đồng thời phải tăng số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường. “Nếu sau khi kết thúc giấy phép khai thác, doanh nghiệp bỏ chạy thì chúng ta lấy số tiền phí tài nguyên và ký quỹ tài nguyên môi trường để phục hồi”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Về các mỏ đang hoạt động, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường dùng công nghệ để chụp lại bản đồ, sau đó so chiếu với giấy phép. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì phải tính toán để truy thu, không để thất thoát ngân sách. Đối với những mỏ đã khai thác trước đây, nay đã đóng cửa để phục hồi môi trường cũng cần phải thanh tra, kiểm tra, truy thu số lượng khai thác vượt của doanh nghiệp. “Nếu thấy các doanh nghiệp khai thác mỏ vi phạm khai thác về cao trình, về địa giới thì sẽ tính toán lại để truy thu cho bằng được. Tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, đồng thời phối hợp với một số cơ quan liên quan để làm gấp, trong vòng 2 tháng phải xong việc này”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu đối với các doanh nghiệp còn giấy phép phải làm đúng quy trình. Riêng đối với công tác cấp phép, trong thời gian tới cũng phải thực hiện đúng quy trình, có sự ràng buộc để doanh nghiệp có nghĩa vụ với môi trường.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân xin cải tạo mặt bằng để làm ao nuôi cá, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị phải ký quỹ bảo vệ môi trường, không để cứ múc đất đi bán, sau đó không nuôi cá, không phục hồi môi trường. Trường hợp cán bộ có hành vi lơ là, xuê xoa, hoặc “nhất bên trọng, nhất bên khinh” với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý ngay, hoặc luân chuyển. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hứa sẽ tổng rà soát lại hoạt động khai thác đất đồi, qua đó xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, lập lại trật tự công tác khai thác khoáng sản nói chung, đất đồi nói riêng…

NGỌC PHÚ

.