.

Chủ động ứng phó bão số 2

.

Ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 2 năm 2016.

Theo công điện, bão Nida đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 năm 2016; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 13-14. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 1-8, khu vực phía bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 đến cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16, cấp 17.

Theo dự báo, bão di chuyển về hướng bờ biển của Hong Kong (Trung Quốc) nhưng phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, hoàn lưu bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền Việt Nam. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn rất phức tạp, không loại trừ khả năng bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, trước hết là đối với phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan để kịp thời thông tin đến người dân, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ hoạt động ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, chủ động hướng dẫn tàu thuyền không đi vào và khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, những trường hợp không bảo đảm an toàn thì kiên quyết yêu cầu di chuyển về bờ tránh trú. Chủ động kiểm tra, chỉ đạo các địa phương rà soát phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phương án vận hành các hệ thống thủy lợi để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động vận tải nắm chắc thông tin, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho các tàu vận tải trên biển.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo chuẩn bị phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền ở địa phương và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn; rà soát, chủ động di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm hoặc sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán khi bão có nguy cơ ảnh hưởng; chủ động có phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực miền núi, trung du có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

* Chiều 1-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện có 253 tàu cá, 2055 lao động đang hoạt động trên biển và được lực lượng Biên phòng thông báo về hướng đi của bão để trú tránh. Trong đó có 29 tàu, 234 lao động hoạt động ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa; 25 tàu, 176 lao động hoạt động tại bờ biển Hải Phòng đang trên đường trở về đất liền để tránh bão.

TTXVN - NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.