Chính trị - Xã hội
Đừng chờ "tổng rà soát"
Vụ ngôi nhà số 43 Cửa Bắc (Hà Nội) bị sập làm 2 người chết, 3 người bị thương vào rạng sáng 4-8 là một vụ việc đau lòng. Càng đau lòng hơn khi thông tin ban đầu cho biết, mặc dù đã được cảnh báo nhưng chủ nhà bên cạnh vẫn tổ chức thi công, trong quá trình đào móng xây dựng khiến ngôi nhà số 43 bị đổ sập nhanh chóng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Nói xa xôi cả ngàn cây số như vậy, nhưng nhìn về thành phố Đà Nẵng, cũng thấy rõ những nguy cơ như vậy đang chực chờ. Trong tuần này thôi, Báo Đà Nẵng phản ánh vụ việc chủ ngôi nhà 51 Ba Đình (quận Hải Châu) lo ngay ngáy và bày tỏ bức xúc khi chủ nhà số 53 bên cạnh tổ chức thi công gây nứt tường, sụt móng nhà số 51. Điều đáng lưu ý là khi hai bên chưa hòa giải thành công trong việc đền bù, xử lý thiệt hại, thì chính quyền địa phương vẫn cho phép tiếp tục xây dựng với lý do chủ nhà số 53 “ký quỹ”… 300 triệu đồng - mức tiền cao hơn mức dự toán thiệt hại do chủ nhà bị hại đưa ra.
Không dừng lại ở đó, tại kỳ họp thứ hai của HĐND quận Hải Châu diễn ra mới đây, trong phần đánh giá những hạn chế của quận, có nêu vấn nạn nhà tập thể, nhà chung cư xuống cấp nhưng chậm được xử lý; nhất là trước nguy cơ mùa mưa bão sắp tới… Theo tìm hiểu, được biết, trên địa bàn quận có tổng cộng 17 khu nhà tập thể, nhà chung cư xuống cấp, được đưa vào diện phải di dời, cải tạo để bảo đảm an toàn cho người cư trú. Vụ việc diễn ra mấy năm nay, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp; trong đó có việc chưa thống nhất về đền bù, tái định cư… Ngành chức năng, địa phương nỗ lực hết sức, nhưng cũng chỉ mới di dời hẳn được 2 khu, 3 khu đã tổ chức bốc thăm lô đất tái định cư, 4 khu còn lại đang vận động di dời và đặc biệt là vẫn còn 8 khu chưa có động tĩnh gì trước nguy cơ sụp đổ là có thật.
Trước những tai nạn nghiêm trọng và nguy cơ cụ thể đó, chúng ta đừng lặp lại việc “rà soát”, mà đó như là lời cảnh báo đắt giá để tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm minh và chặt chẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người.
Bởi, từ trước đến nay, thường có tình trạng sau một tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và của, thì các cơ quan chức năng mới tiến hành “tổng rà soát”. Thế nhưng, đau lòng là sau khi “tổng rà soát” một thời gian, thì dường như mọi việc vẫn đâu vào đấy, và tai nạn vẫn diễn ra.
Vậy nên, điều cần làm và phải làm, đó chính là tự rà soát, kiểm tra thường xuyên trong việc thực hiện nghiêm túc những nội dung quy định- trong đó có văn bản pháp quy đã đề ra để bảo đảm ngăn ngừa những tai nạn thương tâm, đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về người và của.
Minh Thư