Chính trị - Xã hội

Lối về nẻo thiện

08:27, 06/08/2016 (GMT+7)

Lợi là người từng có quá khứ in hằn “vết mực đen” bởi sự xốc nổi, bồng bột của tuổi trẻ. Đi qua tháng ngày thơ dại, Lợi tỉnh thức, quyết tâm làm lại cuộc đời mới và góp phần không nhỏ trong công cuộc kiến thiết quê hương.

Anh Nguyễn Văn Lợi (thứ hai từ phải qua) nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì những đóng góp của mình. 							              Ảnh: TRÂM ANH
Anh Nguyễn Văn Lợi (thứ hai từ phải qua) nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì những đóng góp của mình. Ảnh: TRÂM ANH

Chiến tích lẫy lừng

Nguyễn Văn Lợi (SN 1971, ngụ phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) từng có tuổi thơ trong trẻo như bao đứa trẻ khác khi mái ấm luôn tràn đầy tiếng cười của cha mẹ và 3 người em trai. Nhưng hạnh phúc giản dị sớm vỡ tan khi mẹ của Lợi qua đời trong ca sinh khó cùng người em gái thứ 5. Khi ấy, Lợi tầm 13, 14 tuổi.

Biến cố gia đình cũng làm đổi thay cuộc đời cậu học trò ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm vai cha sau những buổi bươn bả lo kế sinh nhai cho bầy con nheo nhóc, Lợi cứ bứt rứt, bồn chồn trong người. Sau nhiều đêm trằn trọc, trăn trở, Lợi quyết định bỏ dở việc học, lao vào đời mưu sinh để đỡ đần gánh nặng kinh tế cho cha. Lợi quăng quật sức trẻ vào bất cứ công việc nào, không nề hà vất vả hay cực nhọc. Cứ thế, tuổi thơ của Lợi là tháng ngày lang thang bán báo, thuốc lá dạo, bốc vác, phụ nề, bưng bê quán ăn…; lấy đất làm chiếu, lấy trời làm màn. Nhớ về quãng thời gian đã qua, Lợi tâm sự: “Lăn lộn trong môi trường này không thể tránh khỏi những lần động tay động chân. Khi ấy, tuổi còn nhỏ, chưa suy nghĩ nhiều, tôi cứ “chơi tới bến” cho thỏa chí hùng anh thôi. Tôi lỳ đòn, đánh nhau không biết sợ nên không ít “đại ca” thời đó cũng dè chừng, không dám động đến tôi”.

Tên tuổi của Lợi cũng từ đó mà nổi như cồn, nhiều đàn em đến xin được “che chở”. Dần dà, Lợi có băng nhóm của riêng mình, băng nhóm này có khi lên đến hơn trăm người. Lạ một điều, đàn em dưới trướng của Lợi chỉ có duy nhất “biệt tài” đánh nhau. Bởi Lợi nghiêm khắc ra lệnh cấm rượu chè, bài bạc và đặc biệt là ma túy. Lợi kể: “Tôi ghét nhất là ma túy nên phát hiện ra đàn em nào dính líu đến ma túy là tôi thẳng tay phạt hoặc đưa vào trung tâm cai nghiện. Thành ra đàn em của tôi chỉ giỏi đánh nhau, những thứ còn lại đều “hiền khô”...”.

Bên cạnh đó, Lợi còn có một “nguyên tắc vàng” là “quậy ở đâu thì quậy nhưng về đến nhà là tôi tuyệt đối nghiêm chỉnh...”.  Cũng chính vì thế, trong mắt chòm xóm, Lợi luôn là một thanh niên gương mẫu, tốt tính, hiền lành. Nhà nào dột nát, lụp xụp, Lợi liền hăng hái xắn tay vào sửa chữa. Gia đình nào có người già cả, ốm đau mà không có thanh niên trong nhà, Lợi thường xuyên tạt ngang phụ giúp chuyện này, chuyện kia. Tuy nhiên, từ khi có đàn em, Lợi bắt đầu nghề mới - đòi nợ thuê, gây ra nhiều vụ tai tiếng khiến cơ quan chức năng đau đầu, gọi “hỏi thăm” thường xuyên. Không muốn người thân phiền lòng thêm, Lợi cùng đàn em bám tàu, lang bạt kỳ hồ từ Bắc đến Nam. Năm đó, Lợi tầm 17, 18 tuổi.

Gần 10 năm sau, sau khi đã tung hoành dọc ngang khắp nước, nỗi nhớ nhà bùng cháy dữ dội khiến Lợi chùn chân, quyết tâm trở về. Khao khát một cuộc sống mới, Lợi buông bỏ quá khứ, xin làm bảo vệ ở chợ và gia nhập đội dân phòng địa phương. Những tưởng Lợi đã có thể “gác kiếm quy ẩn” nhưng chuỗi ngày tháng yên ổn này chẳng bao lâu đã chấm dứt. Một ngày, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại chợ, Lợi nghe có người bức xúc kể chuyện bị giang hồ kéo đến nhà quậy phá. “Máu yên hùng” trỗi dậy, Lợi chẳng kịp suy nghĩ, hùng hổ kéo đến nhà “tên giang hồ” dằn mặt. Kết quả, Lợi đánh người ta bị thương và lãnh mức án 4 năm tù, thụ án tại Trại giam Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm đó, Lợi 26 tuổi.

Lá thư của cha

Lợi tâm sự: “Quan điểm của tôi là có gan chơi, có gan chịu nên khi phải lãnh án tù, tôi kiên quyết không cho người nhà đến thăm, tập trung cải tạo”. Trải qua một nửa quãng đường lao lý, Lợi bất ngờ nhận lá thư của cha. Lá thư không dài, chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng khiến “con ngựa sắt” bật khóc và quyết tâm trở về lối thiện. “Cha thương tôi nhưng bất lực vì không khuyên được con, tôi thương cha nhưng lại làm cha buồn nhiều nên cha con chúng tôi dần dà cũng ít trò chuyện. Ngày nhận lá thư của cha là một ngày đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Ông thông báo mình bị ung thư và nhắn nhủ lời khuyên cuối cùng cho con là hãy sống có ích cho xã hội để ông chết được yên tâm. Trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Lá thư của cha đã khiến tôi thay đổi…”, Lợi buồn buồn.

Năm 2001, Lợi ra tù, ngay lập tức lao đi xin việc làm, bắt đầu quãng đời mới bằng công việc nhân viên phục vụ nhà hàng. Chí thú làm ăn, Lợi đoạn tuyệt với bia, rượu vì sợ ham vui mà mất kiểm soát. Vì vậy, trong những cuộc vui cùng bè bạn, Lợi chỉ say mê đàn hát. Chính điều này đã giúp Lợi “cưa đổ” người vợ hiện tại của mình. Lợi lấy vợ không bao lâu thì cha qua đời. Ghi nhớ tâm nguyện của cha, Lợi ra sức cố gắng, tu tâm dưỡng tính.

Hai con thơ lần lượt chào đời, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Lợi vay 3 triệu từ nguồn “Quỹ hoàn lương” của thành phố, mượn thêm bạn bè, sắm chiếc xe máy để cải thiện thu nhập gia đình bằng những cuốc xe thồ. Trong những tháng ngày rong ruổi chở khách, Lợi chứng kiến không ít thanh-thiếu niên trộm cắp, cướp giật… Nhìn gương mặt hoang mang của những người bị hại, Lợi xót lòng, bản tính nghĩa hiệp nổi lên, đề nghị khách xuống xe giữa đường để đuổi theo, bắt giữ tội phạm. Lợi đã tóm nhiều đối tượng trộm cướp chuyên nghiệp mang về giao nộp công an xử lý. Nhờ hành động này, Lợi được động viên tham gia Đội dân phòng cơ động của phường.

Cứ thế, Lợi lặng lẽ sửa sai quãng tuổi trẻ của mình bằng những việc làm thiết thực, như: dạy nghề làm lồng chim cho đám trẻ lang thang, cảm hóa trẻ em hư, nghiện hút. “Tuổi trẻ thường hay nông nổi, bồng bột nên các em mới dễ bị lôi kéo, rủ rê làm việc xấu. Từng có thời gian lăn lộn khắp nơi, tôi đã dùng chính cuộc đời mình để làm bài học cho các em soi vào và tự nhận thức đường đi đúng đắn cho bản thân. Nhưng để các em mở lòng, trải lòng với mình là cả một hành trình dài, tôi phải lân la trò chuyện, rủ các em đi cà-phê tâm sự nhiều lần”, Lợi bộc bạch.

Không những là điểm tựa của trẻ em lang thang, Lợi còn được người dân địa phương nơi đây trìu mến gọi bằng cái tên “anh hùng chữa cháy”. Một buổi tối năm 2013, trong lúc đang chở vợ con đi chơi, Lợi phát hiện đám cháy ở đường Triệu Nữ Vương. Ngay lập tức, Lợi để vợ con lại, vừa điện thoại thông báo về phường, vừa xông vào đám cháy dập lửa. Tháng 6-2016, Lợi lại phát hiện một đám cháy ở nhà dân, không kịp suy nghĩ, vội vàng ôm bình chữa cháy chạy lên tầng 5 ngăn cản lửa lan rộng.

Với những đóng góp của mình, Lợi đã được địa phương tin tưởng giao vị trí Đội phó Đội dân phòng cơ động phường Hải Châu 2 và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

TRÂM ANH

.