Chính trị - Xã hội

"Dân cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu"

15:16, 16/08/2016 (GMT+7)

“Dân nhất thiết phải có đất chứ không phải trả tiền là xong. Dân nhận tiền rồi thì biết đi đâu, về đâu, ổn định cuộc sống chưa, có nghề nghiệp chưa?”

Phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng nay (16/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Phiên họp thật sự “nóng” khi các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và đề nghị Chính phủ và các cơ quan, địa phương rút kinh nghiệm nghiêm khắc.

“Nợ dân thì phải giải quyết”

Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, do không thực hiện được chủ trương “đất đổi đất” trong đền bù giải phóng mặt bằng về di dân tái định cư vì quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên Huế có hạn nên Chính phủ đề xuất sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Dự án Hồ Trả Trạch cho Hợp phần đề bù để đền bù cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài (10 năm) của người dân.

Mặc dù nhấn mạnh việc chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ song với nguyên tắc sớm giải quyết cho dân, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “cho Chính phủ rút kinh nghiệm một lần nữa” và đồng ý với tờ trình của Chính phủ để sớm lo cho dân vùng dự án.

Nhấn mạnh Quốc hội rất ủng hộ Chính phủ, không muốn việc xảy ra trước đó lại gây khó khăn cho Chính phủ mới, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị qua sự việc này cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc.

“Không phải Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không giải quyết cho dân nhưng vấn đề phải đảm bảo đúng nguyên tắc. Giờ tìm ra nguồn cũng khó vì vừa qua nguồn nào vào đâu quyết hết rồi. Việc xử lý dứt điểm tồn tại thì Chính phủ phải có trách nhiệm xử lý. Liên quan tới giải quyết cho dân nên cho Chính phủ tiếp tục rút nghiệm một lần nữa đối với vấn đề này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Chỉ 77 tỷ đồng thôi nhưng đây lại là quyết định rất khó khăn, thể hiện giữa lời nói và việc làm. Ghi nhận sự nghiêm túc của các đồng chí tự phê bình như Bộ NN-PTNT (tự quyết là sai thẩm quyền); tỉnh Thừa Thiên Huế chưa lo cho dân kịp thời, bố trí đất canh tác, sản xuất chậm. Bộ KH-ĐT hôm nay chắc cũng tiếp thu những ý kiến của Thường vụ Quốc hội”.

“Quản lý ngân sách phải minh bạch, nói đâu cũng là ngân sách thôi nên đưa khoản này vào khoản kia là ta nguỵ biện cho mình. Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tuyên thệ hành động, nói và làm và rút kinh nghiệm mãi rồi. Phiên họp này Thường vụ có thái độ cho rõ ràng vì ta thực hiện nghị quyết của Quốc hội” – bà Tòng Thị Phóng nêu ý kiến và đề nghị đồng ý thu hồi 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ để đền bù, hỗ trợ cho dân vì đây là vùng căn cứ, đồng bào còn nhiều khó khăn.

“Từ việc quyết 77 tỷ đồng hôm nay đặt nền móng cho sự minh bạch, trân trọng lẫn nhau. Chính phủ báo cáo Quốc hội thì Quốc hội trân trọng lắng nghe, thảo luận, tạo điều kiện nhưng Chính phủ báo cáo cũng phải rõ ràng, thuyết phục để Quốc hội quyết theo luật pháp chứ không theo cảm tính”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

“Dân cầm tiền rồi đi đâu, về đâu?”

Khẳng định vấn đề đền bù cho dân vùng dự án phải trên quan điểm nợ dân thì phải giải quyết nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn băn khoăn: Đền bù với phương thức trả tiền mặt thì có ổn định sinh kế lâu dài cho dân hay không, khi dân không có đất sản xuất, làm ăn. Điều này cần cân nhắc kỹ nếu không một vài năm sau khi tiêu hết tiền lại tiếp tục nảy sinh khiếu nại, tố cáo.

“Nguồn dự phòng hay hạng mục xây dựng, nguồn bổ sung thì tất cả đều tiền ngân sách và tiền của dân hết. Nguồn dự phòng trái phiếu chính phủ 150 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục dự án giờ các đồng chí nói không cần thiết thì thu hồi 77 tỷ đồng để bổ sung vào hợp phần đền bù, như thế minh bạch hơn” – ông Uông Chu Lưu bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ:
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: "Dân cầm tiền rồi đi đâu, về đâu?"

“Phải giải quyết cho dân chứ không thể kéo dài nữa” là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là trả tiền thì dân ổn định chưa vì dân nhất thiết phải có đất chứ không phải trả tiền là xong.

“Bao hộ dân sẽ ở đâu, sinh hoạt ăn ở ra sao? Tôi quan tâm chuyện đó hơn là bỏ tiền ra. Đưa tiền cho dân rồi thì có yên dân chưa, ổn định cuộc sống chưa, có nghề nghiệp chưa? Tôi chưa nghe phương án của tỉnh, dân ở đâu, hay dân lại đi lang thang. Cầm tiền trong tay nhưng không biết đi đâu, về đâu. Đưa tiền thì dân vài ngày ăn hết tiền còn đâu nữa. Không thể trả lời rằng hết đất rồi nên tôi trả tiền” – ông Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề.

Liên quan đến kỷ luật, kỷ cương tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói: “Chấp nhận thì tạo tiền lệ cho dự án khác. Tuy nhiên đồng tình với Chủ tịch Quốc hội là phải sớm lo cho dân. Quyết thì phải quyết nhưng có triệt để hay không thì phải tính toán, chứ nếu không mai kia lại khó khăn, dân tiếp tục khiếu kiện vì không có nhà ở, nghề nghiệp, lại gây hậu quả tiếp theo. Cứ rút kinh nghiệm mãi thế này thì cũng rất gay”.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Dự án Hồ Tả Trạch hết sức quan trọng, được quan tâm của Nhà nước. Tuy nhiên, việc đền bù chưa xử lý được khoản đất lâm nghiệp, dẫn tới khiếu kiện kéo dài 10 năm. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không để cho dân thiệt thòi, không làm khó dân khi thu hồi đất phát triển KT-XH, do đó, quyết tâm dùng các nguồn lực để đền bù cho dân.

Để đảm bảo minh bạch, làm rõ trách nhiệm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản của dự án để bổ sung cho hợp phần đền bù định canh, định cư cho dân vùng dự án như tờ trình của Chính phủ.

“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm là Bộ KH-ĐT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không để xảy ra tình trạng tương tự. Chỉ 77 tỷ đồng thôi nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn quyết liệt là thể hiện tinh thần đúng nguyên tắc công khai, minh bạch và nâng cao kỷ luật tài chính, làm sao đầu tư công hiệu quả, đi vào nề nếp. Thông điệp này hôm nay rất rõ” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.

Theo Ngọc Thành/VOV

.