.

Đột phá trong đào tạo cán bộ cơ sở

.

“Để tạo nguồn lực về con người trong xây dựng nông thôn mới, từ giữa cuối nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Hòa Vang đã điều động nhiều cán bộ không phải là người địa phương đến nhận công tác tại hầu hết các xã. Đây là khâu đột phá để đào tạo cán bộ cấp cơ sở, thúc đẩy phát triển 11 xã trong giai đoạn tới”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định.

Ngoài giờ làm việc trong tuần, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát dành riêng sáng chủ nhật để đi cơ sở nắm tình hình. 					          Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài giờ làm việc trong tuần, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát dành riêng sáng chủ nhật để đi cơ sở nắm tình hình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Năng động, chịu khó mới trưởng thành

Trong danh sách 39 cán bộ theo Đề án 89 và cán bộ là sinh viên thu hút phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới được Bí thư Huyện ủy Trần Văn Trường cung cấp, có đến 8 cán bộ đang giữ chức danh chủ chốt tại 6 xã. Trong đó, những cán bộ qua quá trình thử thách, rèn luyện từ 3 đến 5 năm đã tạo được uy tín và hiệu quả điều hành công việc như: Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát (quê xã Hòa Phong), Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải (quê Đại Lộc, Quảng Nam), Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà (quê xã Hòa Khương). Đó là chưa kể có 5 Phó Chủ tịch UBND các xã Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Phong không phải là người địa phương. Ngoài ra, thêm 6 chức danh chuyên viên phụ trách văn phòng Đảng ủy, văn phòng UBND 6 xã là người gốc Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An đang trong quá trình đào tạo, đánh giá hiệu quả công tác trước khi tiếp tục điều động, luân chuyển. 

Qua đánh giá từ nhiều nguồn, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1984) là một dẫn chứng cụ thể cho sự chịu khó, nỗ lực để trưởng thành. Năm 2010, từ một chuyên viên Văn phòng UBND xã Hòa Phong, qua quá trình phấn đấu và đề bạt, bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, đến năm 2015, Phát được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn. “Từ buổi ban đầu và cho đến nay, điều tôi rút ra được đó chính là phải giữ sự đoàn kết nội bộ, nhất là khi tuổi đời mình còn trẻ. Phải biết cầu thị lắng nghe góp ý của cán bộ làm việc chung với mình”, Nguyễn Tấn Phát khiêm tốn chia sẻ.

Từ xã Hòa Khương, Lê Thị Thu Hà cũng là người “xa lạ” khi được điều động đến nhận công tác tại xã miền núi Hòa Bắc với vị trí Phó Chủ tịch UBND xã. Đến nay, với tinh thần xông xáo, không ngại khó, nữ Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà là một trong những cán bộ được người dân Hòa Bắc nói chung, đồng bào dân tộc thôn Tà Lang, Giàn Bí nói riêng dành sự thương yêu bởi tinh thần chịu khó, gần gũi, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và đề xuất những giải pháp giúp người dân khó khăn có đời sống ổn định hơn.  

Không bổ nhiệm lại người thiếu năng lực, uy tín thấp

“Không phải nơi nào cán bộ là người ngoài địa phương đến cũng nhận được sự ủng hộ. Đó là khó khăn mà mỗi cán bộ trẻ muốn trưởng thành phải dám đối mặt và vượt qua thông qua hiệu quả công việc, đạo đức, lối sống, khả năng ứng xử và quan hệ công tác với cấp trên cũng như cấp dưới”, Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Theo nhận xét của ông Trần Văn Trường, để hòa mình với tập thể đơn vị mới, những cán bộ luân chuyển không chỉ vận dụng năng lực, trình độ chuyên môn mà phải chịu khó tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, ý kiến nhận xét của cán bộ địa phương và cấp huyện; từ đó nhìn lại mình đang có điểm mạnh và điểm gì cần khắc phục. “Chúng tôi xem việc điều động cán bộ ngoài địa phương sẽ tạo ra “chiếc gương soi” hai mặt. Một mặt cán bộ mới đến phải thể hiện năng lực, trình độ của mình xứng đáng với vị trí được điều động. Mặt khác, cán bộ là người địa phương phải nỗ lực để thể hiện vị trí mình đang làm. Đó là hai yếu tố mà Huyện ủy thấy có thể phát huy được, nhất là cán bộ trẻ”, ông Trần Văn Trường giải thích.

Trên thực tế, qua lấy phiếu tín nhiệm, huyện Hòa Vang kiên quyết không bổ nhiệm lại hơn 10 vị trí có phiếu tín nhiệm dưới 70% do năng lực công tác giảm sút, uy tín không cao, dư luận không tốt. Được biết, huyện đang chuẩn bị quy trình điều động 2 Trưởng Công an xã là người không phải địa phương đến nhận công tác mới. Giải pháp này sẽ góp phần giải quyết những trường hợp xử lý quá nhẹ tay đối với con em trong ngành Công an là người địa phương vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn Hòa Vang hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Phú Hành cho biết thêm, cái được trong công tác cán bộ của Hòa Vang là hình thành lớp cán bộ xã có trình độ khá đồng đều, bảo đảm duy trì và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Nhưng để phát triển bền vững gắn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, huyện sẽ tiếp tục đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu về nông nghiệp từ cấp huyện đến cấp xã.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.