Chính trị - Xã hội

Quy hoạch thiết kế ven sông Hàn

Kiến tạo cảnh quan có tính biểu tượng và bản sắc

07:59, 08/08/2016 (GMT+7)

Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng dòng sông Hàn mà PGS,TS,KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc (Bộ Xây dựng) nhận xét: “Sự phát triển của Đà Nẵng được ví như cuốn sách mở ra hai bên sông Hàn. Dòng sông như gáy của cuốn sách, như cột trụ của sự phát triển đã trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường”. Đó là lõi cảnh quan cực kỳ đặc biệt với đô thị Đà Nẵng.

Quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn cần gắn liền thiết kế đô thị. 	 Ảnh: KHẢ THỊNH
Quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn cần gắn liền thiết kế đô thị. Ảnh: KHẢ THỊNH

Đề bài mở cho sáng tạo quy hoạch - kiến trúc

Khi đặt vấn đề tìm ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bày tỏ mong muốn tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo, độc đáo để đưa sông Hàn trở thành một di sản kiến trúc của Đà Nẵng trong quá trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu của khu vực châu Á.

Sông Hàn sẽ có những công trình kiến trúc tiêu biểu, những mảng miếng cảnh quan đặc sắc. Từ đây, nhiệm vụ quy hoạch thiết kế cảnh quan sông Hàn được kéo dài lên hướng sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò, phù hợp với định hướng phát triển đô thị có nhiệm vụ xuyên suốt “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”.

Năm 2015, việc tiếp cận quy hoạch kiến trúc cảnh quan sông Hàn đã được một số đơn vị tư vấn quy hoạch kiến trúc quốc tế tiếp cận nghiên cứu. Tuy nhiên, những ý tưởng quy hoạch kiến trúc mới vẫn chưa chạm đến tầm phát triển mới của đô thị, chưa chạm đến trái tim của người Đà Nẵng yêu mến dòng sông. Do đó, chính quyền thành phố quyết định tổ chức công khai cuộc thi quốc tế tuyển chọn “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn”.

Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cho biết, Ban tổ chức cuộc thi tuyển chọn ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn đã đưa ra một đề bài mở, qua đó phát huy tối đa những sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc.

Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Đà Nẵng, sông Hàn gắn bó và trở thành một phần không thể tách rời của không gian và đời sống đô thị. Dòng sông là chứng nhân cho những thăng trầm lịch sử, những chuyển mình mạnh mẽ của thành phố hôm nay, là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Dòng sông không chỉ là một dòng chảy tự nhiên giữa lòng đô thị, mà còn là trục không gian công cộng chủ đạo của thành phố, đồng thời trở thành một hành lang kinh tế thu hút đầu tư mạnh mẽ. Với tiềm năng và tầm quan trọng vốn có của sông Hàn, mọi tác động tới dòng sông và không gian hai bên bờ sông đều trở thành mối quan tâm sâu sắc của chính quyền và người dân thành phố. Sông Hàn và không gian cảnh quan hai bên bờ sông được kỳ vọng sẽ trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn nữa, góp phần xây dựng thương hiệu cho Đà Nẵng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường mạnh mẽ, bền vững.

Với cuộc thi lần này, chính quyền thành phố Đà Nẵng mong muốn tìm kiếm những ý tưởng và giải pháp quy hoạch, thiết kế cảnh quan tốt nhất cho sông Hàn nhằm mang lại sức sống mới cho dòng sông, góp phần nâng tầm thương hiệu cho thành phố, hướng đến những giá trị cốt lõi về một thành phố hòa hợp với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có chất lượng sống tốt, giàu sức sống kinh tế và văn hóa.

Phạm vi nghiên cứu xây dựng ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn.
Phạm vi nghiên cứu xây dựng ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn.

Lõi cảnh quan của đô thị Đà Nẵng

Sau sự hình thành của cầu Sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000, tiếp đó là sự xuất hiện của những công viên, đường đi dạo, những cây cầu nối tiếp nhau, cùng những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế như lễ hội pháo hoa… Điều đó khiến sông Hàn đồng thời trở thành hành lang “vàng” của các dự án đầu tư hạ tầng. Các dự án xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt là khu vực trung tâm, diễn ra nhanh chóng với các công trình quy mô rất lớn, hình thành một đô thị Đà Nẵng phát triển hiện đại.

Điều nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, xu thế tất yếu của đô thị Đà Nẵng cần phát triển hài hòa, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, hướng tới phát triển đô thị bền vững. Theo PGS,TS,KTS Phạm Thúy Loan, thành viên Hội đồng Cuộc thi tuyển chọn ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn, khi quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn cần gắn liền với định hướng thiết kế đô thị hai bờ sông Hàn.

Cảnh quan ven bờ sông Hàn phải được giữ gìn, đầu tư phát triển thành lõi kiến trúc tạo không gian mềm có chiều sâu, có tầm nhìn và triết lý kiến trúc để tránh sự lấn át của những công trình cao ốc đang có nguy cơ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian đô thị hai bên sông. Theo PGS,TS,KTS Phạm Thúy Loan: Sông Hàn là một hành lang thị giác tuyệt vời để chiêm ngưỡng kiến trúc hai bên bờ sông.

Do vậy, trong việc tiếp cận ý tưởng mới cho quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan cho sông Hàn hướng đến đạt được các mục tiêu như xây dựng được một tầm nhìn tổng thể và bền vững cho dòng sông; kiến tạo cảnh quan ven sông có tính biểu tượng và bản sắc, góp phần tạo dựng thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng; nâng cao chất lượng không gian đô thị, mang lại môi trường sống tốt cho người dân thành phố và cuốn hút du khách.

Hơn nữa, tạo dựng môi trường xã hội nhân văn và sống động, với các cơ hội vui chơi thư giãn ven sông phong phú, bảo vệ môi trường sinh thái của dòng sông và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đô thị dọc sông Hàn có lịch sử phát triển lâu đời, từ năm 1835, khi vua Minh Mạng quyết định cửa Hàn là nơi duy nhất buôn bán với phương Tây. Đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị kiểu Tây phương... Bờ tây sông Hàn, nhất là khu vực trong phạm vi các đường Bạch Đằng - Đống Đa - Ông Ích Khiêm - Lê Đình Dương được đánh giá là “khu vực trung tâm lịch sử” của Đà Nẵng, từ đó hình thành nên bản sắc đô thị rõ nét.

Nhiều thành phố trên thế giới đều cẩn trọng trong vấn đề bảo tồn các hình thái không gian lịch sử. Cụ thể, họ không cho phép các công trình đồ sộ xuất hiện trong khu vực lịch sử mà tạo ra những khu vực đô thị mới, có cơ sở hạ tầng đảm bảo, có không gian để chiêm ngưỡng các công trình hiện đại, cao tầng. Singapore, Thượng Hải đã làm tốt ý đồ này.

(Nguồn: “Cải thiện không gian hai bên sông Hàn thành phố Đà Nẵng bằng thiết kế đô thị”. Đề tài khoa học đã công bố của PGS,TS,KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Bộ Xây dựng)

TRIỆU TÙNG

.