Chính trị - Xã hội

Tổng Bí thư: Vụ Trịnh Xuân Thanh còn mở ra nhiều đầu mối khác

16:33, 06/08/2016 (GMT+7)

"Vụ việc được quan tâm, hoan nghênh như vụ Trịnh Xuân Thanh cũng đủ thấy sự phức tạp lắm rồi. Chúng ta phải có bước đi vững chắc, thận trọng, làm sao để giữ được ổn định, để phát triển kinh tế, vì vụ việc này còn mở ra nhiều "ông", nhiều đầu mối khác", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Cuộc tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sáng nay 6/8, ghi nhận hàng loạt ý kiến cử tri về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như công tác luân chuyển, điều động cán bộ.

"Tình trạng bất minh trong công tác cán bộ không còn cá biệt"

Cử tri Đặng Tài Kính (Cống Vị, Ba Đình) bày tỏ, chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo cao nhất của Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, cử tri rất phấn khởi về một sinh khí mới được khơi lên trong các cấp lãnh đạo. Sau một thời gian ngắn đã phần nào thấy những động thái quyết liệt của những người đứng đầu nhà nước.

Ông Kính mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chống tham nhũng, để bộ máy nhà nước thực sự liêm chính, trong sạch, không để cử tri mất lòng tin.

Đề cập nguyên tắc, một đại biểu Quốc hộ không chỉ để lấy cái ghế trong suốt một nhiệm kỳ mà không đóng góp gì cho đất nước, cử tri đề cập những chuyện đáng buồn về một số người lãnh đạo các Bộ như Công thương, Nông nghiệp, Tài nguyên-Môi trường trong khoá trước dẫn đến những vụ việc như bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc, thả lỏng để phân bón giả hoành hành, hơn 800 giấy phép thuỷ sản được cấp sai trái, vụ việc ở Formosa… Ông Kính đề nghị phải làm rõ được đến cùng là cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm, xử lý cho đến cùng cho dù người đó là ai.

Nói cụ thể hơn về công tác cán bộ, cử tri thắc mắc, việc chuẩn bị nhân sự để bầu đại biểu Quốc hội rất chặt chẽ sao vẫn lọt những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử. Cử tri đề nghị rà soát lại để tránh những trường hợp giữa khoá phải bãi nhiệm như ở Quốc hội khoá XIII.

Cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cũng đặt câu hỏi trách nhiệm với những vụ việc như Formosa, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, 18-20 lần vỡ đường ống nước Sông Đà… Theo ông Tính, những hiện tượng này chứng tỏ pháp luật còn chưa nghiêm, còn tình trạng tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển và đề nghị làm rõ để xử lý nghiêm, tránh tái phạm, lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Cử tri Vũ Đức Thuận (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) mong muốn quy chế sử dụng cán bộ phải thực hiện ngay trong một nhiệm kỳ để nếu qua thời gian một nửa nhiệm kỳ mà người lãnh đạo không phát huy hiệu quả công việc thì điều chỉnh ngay, có lên thì phải có xuống, có vào phải có ra để khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo.

Cụ thể hơn ý kiến này, cử tri Phạm Năng Khương (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ. Vấn đề ở Bộ Công thương khoá trước, theo ông Khương, không chỉ có chuyện ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch Hậu Giang mà dư luận còn yêu cầu “truy” việc con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – ông Vũ Quang Hải được điều động làm lãnh đạo tại Habeco…

Cử tri Nguyễn Chính (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) phân tích, việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng để con trai 28 tuổi của mình đang nắm giữ một doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí (chỉ trong 2 năm, doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng này lỗ tới 200 tỷ đồng) lên các vị trí cao hơn, đến giờ đã làm lãnh đạo Habeco; rồi vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch Hậu Giang cho thấy tình trạng bất minh trong công tác cán bộ không còn là cá biệt, nhỏ lẻ. Các trường hợp này cũng cho thấy cán bộ, cơ quan thẩm tra các cấp về bản chất biết là sai nhưng vẫn nể nang, không dám nói.

"Là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đề nghị Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, làm rõ các sự việc để tham nhũng giảm dần, không còn nhức nhối xã hội", ông Chính đề nghị.

Cử tri Phạm Huy Hà (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) nhận định, vụ Trịnh Xuân Thanh là một biểu hiện rõ ràng của việc cán bộ “chạy tội”, leo cao mà nếu báo chí không phát hiện thì sâu mọt còn tiếp tục hoạt động.

Từ vụ Trịnh Xuân Thanh bật ra vụ Vũ Quang Hải mà theo ông Hà, cử tri theo dõi sát sao với niềm tin rằng, từ đây lãnh đạo nhà nước sẽ làm rõ, sẽ thu được nhiều bài học về công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cấp chiến lược, không để các địa phương liên kết với bộ, ngành để luân chuyển, chạy lo các bước chuyển cho cán bộ không trong cấp quy hoạch chiến lược.

"Tổng Bí thư phải đánh trống liên hồi..."

Nói về nguyện vọng của nhiều cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư phân tích đây là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp giữa phần tốt - xấu trong mỗi con người, liên quan đến cả lợi ích, danh dự cá nhân. Cuộc đấu tranh càng phức tạp khi lợi ích hiện giờ đang rất chằng chịt.

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vừa qua các cơ quan đã làm, đã xử được nhiều vụ lớn như vụ Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên, Huyền Như. Vụ Phạm Công Danh đang xử cũng chỉ là 1 trong 8 đại án, mới ở giai đoạn sơ thẩm mà phiên xử đã dự kiến kéo dài cả tháng. Tổng Bí thư khẳng định, điều đó đủ thấy cuộc đấu tranh với tham nhũng phức tạp thế nào.

"Mới nhất, vụ việc được quan tâm, hoan nghênh như vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng chỉ là một ví dụ nhưng cũng đủ thấy sự phức tạp lắm rồi. Chúng ta phải có bước đi vững chắc, thận trọng, làm sao để giữ được ổn định, để phát triển kinh tế, vì vụ việc này còn mở ra nhiều "ông", nhiều đầu mối khác", Tổng Bí thư nói.

Người đứng đầu Đảng chia sẻ với yêu cầu của cử tri là Tổng Bí thư phải "đánh trống liên hồi chứ không phải làm nhát một, phải làm đến cùng" nhưng ông cũng băn khoăn với câu hỏi, "làm thế nào là đến cùng?".

Sau cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày bỏ vui mừng vì khi lãnh đạo Đảng có chỉ đạo lãm rõ vụ bổ nhiệm một cán bộ cấp Phó Chủ tịch tỉnh như thế, dường như cả bộ máy, cả hệ thống vận động, vào cuộc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bên Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành… đều đang vào cuộc, có thể có thông tin nói được, có thông tin chưa nói được nhưng các cơ quan đều đang làm cả. Tôi tin là việc này sẽ được làm với kết quả tốt hơn nữa”.

Theo P. Thảo (Dân trí)

 

.