Chính trị - Xã hội

Tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em Việt Nam cao gấp 9 lần so với thế giới

16:33, 06/08/2016 (GMT+7)

Trẻ em đang học cấp 3 là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tai nạn giao thông (TNGT). Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này là 32,5 trẻ tử vong/100.000 trẻ, cao gấp 4 lần tỷ lệ tử vong do TNGT người bình thường tại TPHCM và cao gấp 8-9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển.

Tại TPHCM, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu với học sinh cấp 3.
Tại TPHCM, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu với học sinh cấp 3.

Đó là khẳng định của TS. Vũ Anh Tuấn - Trung tân Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức - trong Nghiên cứu nguyên nhân TNGT liên quan đến trẻ em và giải pháp cho TPHCM vừa được công bố.

70% TNGT xảy ra với học sinh cấp 3

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, xu hướng TNGT nói chung ở TPHCM đang giảm nhưng TNGT liên quan đến trẻ em lại có xu hướng tăng nhanh và trẻ em đang học cấp 3 là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này là 32,5 trẻ tử vong/100.000 trẻ, cao gấp 4 lần tỷ lệ tử vong do TNGT người bình thường tại TP.HCM và cao gấp 8-9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển” - TS. Vũ Anh Tuấn cho biết.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em học cấp 3 có liên quan đến hơn 70% tổng các vụ TNGT trẻ em trên địa bàn TPHCM, tiếp đến là trẻ em học cấp 2 (gần 20%) và trẻ em học cấp 1 (5%) và trẻ mẫu giáo (5%). Trẻ em trai dễ bị tổn thương hơn trẻ em gái nhiều lần (85% các vụ TNGT trẻ em trai) và có khoảng 80% các vụ TNGT trẻ em xảy ra trong lúc trẻ em (ở độ tuổi 13-18) đang cầm lái điều khiển phương tiện.

Có 5 nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra TNGT trẻ em là đi sai làn đường, phần đường; chuyển hướng không đúng quy định; chạy xe vượt tốc độ quy định; vượt xe không đúng quy định; qua đường không đúng nơi quy định.

Kết quả phân tích mẫu quan trắc video quay ở 15 cổng trường học cho thấy trẻ em cấp 1 đi bộ và xe đạp đến trường rất khiêm tốn trong khi trường học thường rất gần nhà, chỉ có khoảng 5-6% trẻ em cấp 2-3 đến trường bằng xe đạp/xe máy điện (đa phần là tự lái), trong khi đó hơn 50% các em đến trường bằng xe máy, trong đó trên 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi. Tỷ lệ không đội mũ bảo hiểm (MHB) của trẻ em rất cao.

Cùng đó, có nhiều bất cập về Cảnh sát giao thông và tổ chức giao thông ở hầu hết các cổng trường quan sát được, như vỉa hè hư hỏng; chỗ đậu xe không có hoặc hạn chế khiến phụ huynh tràn xuống đường gây cản trở và mất an toàn giao thông; không có người điều tiết, không có đèn tín hiệu, không có vạch cho người đi bộ sang đường, không có gờ giảm tốc; tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh của hàng quán khiến học sinh và người đi bộ phải đi xuống lòng đường…

50% trẻ em tự điều khiển xe máy đến trường, trong đó 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi
50% trẻ em tự điều khiển xe máy đến trường, trong đó 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi

Theo nghiên cứu, cả phụ huynh và trẻ em bị TNGT trong 2 năm qua đều bộc lộ mức độ vi phạm các quy định về an toàn giao thông cao hơn các đối tượng không bị TNGT. Điều này hàm nghĩa rằng càng vi phạm thì càng dễ bị TNGT, do đó phải tăng cường tuần tra, xử phạt vi phạm để nâng cao an toàn giao thông nói chung và cho trẻ em nói riêng.

Đề xuất 4 nhóm giải pháp đột phá

Theo giới chức TPHCM cho hay trong khi chưa có giải pháp nào kéo giảm phương tiện cá nhân thì mỗi ngày thành phố này tăng thêm 1.000 xe máy. Nhận định của giới chuyên gia chỉ rõ thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này, nhưng TNGT liên quan đến xe máy do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86%.

Năm 2015, Quỹ nghiên cứu An toàn giao thông xe máy tại Việt Nam do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) khởi xướng và triển khai đã hoạt động hiệu quả thông qua việc tài trợ thực hiện 3 nghiên cứu về tình hình an toàn giao thông xe máy tại TPHCM và tỉnh Thái Nguyên.

Các nghiên cứu đã mang lại rất nhiều kết quả quan trọng, là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách và các nhà sản xuất xe máy đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện môi trường giao thông và định hướng phát triển ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam. Căn cứ vào kết quả phân tích, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, các nghiên cứu đã đề xuất 4 nhóm giải pháp có thể mang tính đột phá trong nâng cao an toàn giao thông cho trẻ em.

Tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Cần đưa môn học An toàn giao thông vào giảng dạy bắt buộc trong tròng học
Tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Cần đưa môn học An toàn giao thông vào giảng dạy bắt buộc trong tròng học

Cụ thể: Sửa đổi luật giao thông, tăng cường tuần tra giám sát để cắt giảm mạnh vi phạm an toàn giao thông của trẻ em &phụ huynh; Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao an toàn giao thông cho trẻ em ở từng độ tuổi và cấp học, trong đó chú trọng đưa môn An toàn giao thông vào trường học để dạy bắt buộc hàng năm nhằn cung cấp kiến thức Luật Giao thông; Thúc đẩy giao thông đi bộ, xe đạp cho trẻ em (cấp 1-2); Thực hiện dự án Khu trường học an toàn (School Zone), trong đó thiết lập Ban An toàn giao thông ở cấp trường học do thầy Hiệu trưởng đứng đầu…

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày vẫn còn 24 người chết và 60 người bị thương do tai nạn giao thông. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng cũng đánh giá, sự phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và VAMM đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho công tác nâng cao nhận thức cho người dân và bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam. Đặc biệt là các kết quả từ những nghiên cứu khoa học độc lập, khách quan sẽ là các căn cứ quý báu cho việc đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiến nghị các thay đổi về chính sách nhằm nâng cao an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Theo Châu Như Quỳnh (Dân trí)

.