Chính trị - Xã hội
Tội phạm có tổ chức, bảo kê diễn biến phức tạp
Ngày 9-8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW; chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Điểm cầu Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên và Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng, Đại tá Lê Quốc Dân đồng chủ trì.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm, trên toàn quốc xảy ra hơn 26.800 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước); tuy nhiên, nổi lên là các loại tội phạm có tổ chức, bảo kê, đòi nợ thuê, cá độ bóng đá… Tội phạm giết người tăng 0,38% và tính chất khá phức tạp. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với thủ đoạn chính là móc ngoặc giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài ngành cố ý làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, có 242 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo (tăng 21,6% so với cùng kỳ). Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tình trạng vi phạm xử lý chất thải diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Tội phạm về ma túy tăng 1,5 lần về số vụ. Toàn quốc xảy ra 174 vụ mua bán người, với 232 đối tượng, lừa bán 351 cá nhân...
Lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 21.055 vụ phạm pháp hình sự (đạt 78,5%), triệt phá hơn 1.000 băng, ổ nhóm tội phạm; phát hiện hơn 9.400 vụ với trên 8.300 đối tượng phạm tội về kinh tế; bắt giữ gần 2.000 vụ buôn lậu; hơn 8.800 vụ vi phạm môi trường, an toàn thực phẩm; phát hiện và bắt giữ hơn 9.700 vụ/14.800 đối tượng về ma túy…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
Các lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm cần nỗ lực, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính và chú trọng việc quản lý đối tượng từ cơ sở; tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, không để xảy ra oan sai; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xử lý tốt các tin báo của người dân liên quan tới tình hình an ninh trật tự; rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tội phạm, tạo sự đồng bộ, thống nhất; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh với các loại tội phạm.
ĐẮC MẠNH