Chính trị - Xã hội

Từ ma túy tới... HIV

08:36, 24/08/2016 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay “ma túy - mại dâm” được ghép như một cụm từ để chỉ về một tệ nạn xã hội, bởi hai loại tệ nạn đó sẽ dẫn đến lan truyền căn bệnh AIDS mà cả nhân loại đang tìm thuốc giải.

Sự liên hệ giữa ma túy - mại dâm - lây nhiễm HIV được nói đến từ lâu và nguy cơ bạo lực, cũng như lây nhiễm HIV được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa trước trào lưu sử dụng các loại ma túy tổng hợp của giới trẻ trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, ma túy tổng hợp đang dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên. Tại Việt Nam, hiện có tới 80% người nghiện phụ thuộc vào ma túy tổng hợp.

Điều đáng chú ý, ngoài các chất phụ gia thường có trong thuốc lắc để tăng độ “phê”, thường gặp nhất là caffeine, còn có mephedrone có xuất xứ từ Trung Quốc và đã bị đưa vào danh mục cấm trên thế giới từ năm 2008, viên ma túy tổng hợp ngày nay còn chứa nhiều tạp chất phụ gia độc hại, gây hàng loạt các tác dụng lâm sàng phức tạp. Trong đó, một phụ phẩm cực kỳ nguy hiểm là  Para-methoxyamphetamine (PMA), một chất gây ảo giác mạnh và cực độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim, thậm chí có thể gây tử vong.

Độ phê của “hàng đá” lên đến “cực đại” nên người chơi chỉ còn biết hành động bản năng, nhiều khi trở nên ảo giác và biến mình thành tội phạm. Tại một số tụ điểm ăn chơi, giới trẻ còn tổ chức sinh hoạt tập thể và không có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Do không sử dụng các biện pháp phòng ngừa, một số đã bị lây nhiễm HIV.

Nguyên nhân lây nhiễm HIV ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã chuyển dần từ sử dụng ma túy (dùng chung bơm kim tiêm) sang sinh hoạt tình dục không lành mạnh (gái mại dâm, người bị nhiễm HIV), nhưng vấn nạn ma túy vẫn là nguy cơ cao dẫn đến AIDS. Theo một khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, hiện nay, tỷ lệ tử vong do AIDS trong đối tượng thanh-thiếu niên đang ở mức báo động. Bất chấp những tiến bộ của thế giới trong việc ngăn chặn đại dịch này trong suốt 15 năm qua, tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS ở thanh - thiếu niên trong độ tuổi từ 15-19 đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Chỉ tính riêng trong năm 2015, trung bình cứ mỗi giờ trên thế giới lại phát hiện 29 trường hợp mới nhiễm HIV trong lứa tuổi trên.

Số người trưởng thành nhiễm HIV đã tăng cao trong 5 năm trở lại đây. Nếu trong những năm 90 của thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 3 triệu người trưởng thành nhiễm HIV, thì những nỗ lực phòng ngừa căn bệnh thế kỷ này đã góp phần làm giảm đáng kể số người nhiễm mới trong những năm đầu của thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, số người bị phát hiện dương tính với HIV lại không giảm khi có khoảng 1,9 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.

Vì thế, công tác phòng chống ma túy - mại dâm phải luôn song hành. Bên cạnh các chế tài xử phạt hiện hành, cần điều chỉnh các quy định không còn phù hợp để luật pháp được thực thi chặt chẽ, nghiêm khắc, vừa mang tính giáo dục, đồng thời có tính răn đe. Ví dụ theo quy định hiện nay, đối tượng sử dụng ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi không bị quy định thuộc đối tượng phải giáo dục tại xã, phường, thị trấn và không bị áp dụng biện pháp bắt buộc đưa đi cai nghiện tập trung. Đây chính là một trong những kẽ hở để tội phạm ma túy hoạt động khi lôi kéo các con nghiện ở lứa tuổi này.

CHUNG ANH

.