Chính trị - Xã hội
Việt Nam tham gia TPP: Công đoàn đối diện nhiều thách thức
“Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Công đoàn Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức. Nếu không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và người lao động (NLĐ) không phải là ĐVCĐ thì sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập”, ông LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT (ảnh), Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố khẳng định.
* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các cấp Công đoàn trong thời gian qua, nhất là tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước?
- Hiện thành phố có 14 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 1.565 Công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 826 CĐCS khối DN. Nhiều CĐCS khối DN hoạt động khá hiệu quả, tạo được niềm tin của đoàn viên và NLĐ, tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định trong DN và đồng hành sự phát triển của DN.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiệu quả hoạt động Công đoàn phần nào vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; chưa có nhiều thiết chế và hoạt động cụ thể mang lại quyền lợi cho đoàn viên. Công đoàn ở khu vực DN ngoài Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong việc thực hiện chức năng của Công đoàn trong việc thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể và các hoạt động đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ. Tỷ lệ các DN khu vực ngoài Nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ, tổ chức hội nghị NLĐ hiện đạt thấp.
Nhiều DN ngoài Nhà nước rất khó khăn hoặc không thành lập được tổ chức Công đoàn. Một số CĐCS DN ngoài Nhà nước hoạt động còn hạn chế, yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách với NLĐ chưa thường xuyên, chất lượng thấp. Hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, giới thiệu việc làm, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của đông đảo NLĐ. Cán bộ Công đoàn còn thiếu kỹ năng nghiệp vụ Công đoàn, chưa mạnh dạn đấu tranh, chưa thật sự tâm huyết với công tác Công đoàn.
* Khi Việt Nam tham gia TPP, tổ chức Công đoàn sẽ gặp những thuận lợi và thách thức gì, thưa ông?
- Những cam kết về lao động trong TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn.
Thứ nhất: Việc cho phép NLĐ làm việc trong một DN được thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước là một thách thức không nhỏ. Để được hoạt động, tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó. Như vậy, sự ra đời và khả năng phát triển của các tổ chức của NLĐ, với nguyện vọng về quyền lợi hợp pháp và kể cả nhận thức của NLĐ cùng chất lượng hoạt động CĐCS như hiện nay sẽ dễ dẫn đến việc giảm sút mạnh số lượng đoàn viên, nhất là đoàn viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước, làm hạn chế vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Thứ hai: Tổ chức của NLĐ không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nên tổ chức của NLĐ chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, hệ thống Công đoàn Việt Nam hiện nay phải thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng... cán bộ. Nếu cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở không được tuyển chọn trong phong trào công nhân, từ thủ lĩnh của công nhân, mà chỉ do cấp ủy thi tuyển, đưa về, không am hiểu và gần gũi công nhân thì dẫn đến hệ lụy là Công đoàn ngày càng xa rời công nhân.
Thứ ba: Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút, nguồn thu tài chính của các cấp Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam giảm mạnh (thời kỳ đầu là đoàn phí, sau đó là kinh phí Công đoàn). Nếu Công đoàn Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa ĐVCĐ và NLĐ không phải là ĐVCĐ sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức lớn nêu trên, tham gia TPP là cơ hội to lớn và là điều kiện bắt buộc để tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn, để Công đoàn Việt Nam thực sự vững mạnh hơn, tạo được niềm tin và sự gắn bó nhiều hơn của NLĐ.
* Trước những thách thức của tình hình mới, Công đoàn Việt Nam nói chung và LĐLĐ thành phố phải làm gì để thu hút NLĐ và tổ chức mới của NLĐ, thưa ông?
- Trước những thách thức trên, trong thời gian đến, mục tiêu của tổ chức Công đoàn là giữ vững số lượng đoàn viên, không ngừng phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế bằng chất lượng hoạt động của Công đoàn; tăng cường sự tự nguyện, tự giác tham gia tổ chức và hoạt động Công đoàn của đoàn viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự “tiến công” của đội ngũ cán bộ Công đoàn cùng sự góp sức của hệ thống chính trị. Song song đó, rất cần sự ủng hộ của người sử dụng lao động để Công đoàn Việt Nam luôn là dây chuyền quan trọng nhất giữa đông đảo NLĐ với Đảng ta.
Những cam kết về lao động trong TPP đặt ra thách thức lớn cho Công đoàn. TRONG ẢNH: Công nhân lao động tại Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Để đạt được mục tiêu đó, LĐLĐ thành phố ưu tiên những công việc cần làm gồm: Xác định khu vực DN, đặc biệt DN ngoài Nhà nước, là địa bàn chiến lược; xem hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm; tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và DN để xây dựng các thiết chế phục vụ ĐVCĐ và NLĐ (nhà ở cho công nhân, siêu thị công đoàn, nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em công nhân...); xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất. Đồng thời, làm tốt hơn nữa việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đúng quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn 2012, cố gắng thương lượng được nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.
Ngoài ra, chúng tôi hướng đến việc tạo sự khác biệt về quyền lợi của ĐVCĐ và NLĐ. Trọng tâm là các giải pháp kinh tế trong điều kiện cho phép để từng bước mang lại lợi ích vật chất cho ĐVCĐ nhằm tạo mối liên hệ, gắn kết giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn. Đồng thời, phân biệt giữa quyền lợi của người đoàn viên và chưa là đoàn viên, như: giảm giá hàng hóa, sử dụng cơ sở vật chất du lịch của Công đoàn cho đoàn viên; chỉ thực hiện tố tụng trước tòa án miễn phí cho đoàn viên; xây dựng nhà ở xã hội bằng hình thức xã hội hóa để công nhân lao động là ĐVCĐ mua hoặc cho thuê với mức giá hợp lý; ưu tiên chăm sóc con em ĐVCĐ...
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố sẽ tăng cường công tác đối thoại - tư vấn pháp luật cho NLĐ, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại định kỳ với người sử dụng lao động nhằm giải quyết những vướng mắc của NLĐ; phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các DN vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH. Đối với DN chây ỳ, xem thường pháp luật, LĐLĐ thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với BHXH tiến hành khởi kiện vi phạm pháp luật về BHXH. Quan trọng không kém là phải tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đồng hành với sự phát triển của Đà Nẵng; tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp tâm huyết, trách nhiệm với công việc, giỏi về kỹ năng nghiệp vụ và có khả năng tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
ĐẶNG NỞ thực hiện