Chính trị - Xã hội
Xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết cảng biển Trung Trung bộ (nhóm III), giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảng biển nhóm III bao gồm các cảng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi được quy hoạch phát triển để đảm nhận phục vụ cho các tỉnh, thành trong khu vực và đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường biển của Lào và vùng Đông bắc Thái Lan.
Đặc biệt, với cảng Đà Nẵng được tập trung đầu tư xây dựng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), nghiên cứu phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung (loại 1A). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt 11,1 đến 13,2 triệu tấn/năm; đến năm 2030 đạt khoảng 27,9 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, hàng container đến năm 2020 đạt khoảng 0,5 - 0,6 triệu TEUs/năm; đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 đến 1,85 triệu TEUs/năm.
Để đạt mục tiêu này, phải đầu tư cho khu vực cảng Tiên Sa trở thành khu bến cảng tổng hợp, cảng container; tiếp nhận tàu có tải trọng từ 30.000-50.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUs, tàu du lịch quốc tế đến 225.000 GT. Giai đoạn đến năm 2020, tập trung xây dựng xong cảng Tiên Sa giai đoạn II, lượng hàng hóa đến năm 2020 dự kiến là 8,6 đến 10 triệu tấn/năm. Sau năm 2020, tập trung đầu tư mạnh cho trang thiết bị hiện đại để đảm bảo năng lực bốc xếp đạt 12 triệu tấn hàng hóa/năm, từ 300.000-370.000 hành khách/năm.
Nghiên cứu xây dựng bến du lịch tiếp nhận tàu du lịch có tải trọng lớn. Khu bến Thọ Quang là khu bến tổng hợp phục vụ tàu có tải trọng từ 10.000-20.000 tấn. Năng lực xếp dỡ hàng hóa đến năm 2020 là 1 - 1,3 triệu tấn và năm 2030 là 1,4 - 1,7 triệu tấn/năm. Ngoài ra, khu bến Thọ Quang còn đầu tư cho bến xăng dầu có cầu cảng tiếp nhận được tàu 10.000 tấn; bến khí hóa lỏng có bến tàu tiếp nhận tàu 5.000 tấn; bến cảng Sông Thu-X50, có cầu cảng tiếp nhận tàu 5.000 tấn. Khu bến Liên Chiểu, trước mắt là bến tiếp nhận hàng rời, phục vụ trực tiếp cho các khu công nghiệp trên địa bàn.
Tương lai sẽ đầu tư xây dựng để trở thành khu bến chính tiếp nhận tàu quốc tế có tải trọng đến 100.000 tấn, tàu container có tải trọng từ 6.000-8.000 TEUs. Ngoài ra, khu bến Liên Chiểu sẽ xây dựng bến phao xăng cho tàu từ 3.000 đến 7.000 tấn, năng lực bốc xếp hàng hóa đến năm 2020 là 0,7 - 0,8 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là 0,9 - 1,1 triệu tấn/năm; bến xi-măng Hải Vân chuyên phục vụ cho Nhà máy xi-măng Hải Vân, gồm 1 bến tàu tiếp nhận được tàu 5.000 tấn, năng lực bốc xếp hàng hóa đến năm 2020 là 0,2 - 0,3 triệu tấn/năm (tương lai sẽ được di dời cùng với nhà máy xi-măng).
Nguồn vốn để xây dựng hệ thống các cảng biển trong khu vực chủ yếu bằng xã hội hóa dưới hình thức đầu tư BTO, BOT; nguồn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư hạ tầng về luồng tàu, đê chắn sóng các cửa biển...
T.S