.

Yên tâm hải sản, lo ngại trái cây

.

Việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại một số địa điểm chủ lực đã được tăng cường; tuy nhiên, khâu xử lý vẫn còn nửa vời do những vướng mắc về pháp lý và lạc hậu trong phương pháp kiểm tra.

Việc xử lý trái cây nhiễm độc còn nhiều lúng túng. 	Ảnh: PHAN CHUNG
Việc xử lý trái cây nhiễm độc còn nhiều lúng túng. Ảnh: PHAN CHUNG

Hải sản của Đà Nẵng an toàn

Hoạt động mua bán hải sản tại Đà Nẵng thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển các tỉnh bắc miền Trung. Trước tình hình đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các kho hải sản đông lạnh trên địa bàn. Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố có báo cáo đầy đủ về kết quả kiểm tra này.

Ông Nguyễn Tứ, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố cho biết, đơn vị lấy mẫu hải sản tại 18 kho đông lạnh trên địa bàn Đà Nẵng để kiểm tra hóa chất. “Sau 1 tháng gửi mẫu kiểm tra tại Trung tâm Chất lượng nông-lâm sản và thủy sản vùng 2, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, những mẫu hải sản được lấy từ 18 kho đông lạnh với trữ lượng khoảng hơn 220 tấn đều không phát hiện độc tố. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng Phenol, chì, thủy ngân, Cadimi, Methy đều không vượt ngưỡng cho phép theo Thông tư 002-2011 của Bộ Y tế”, ông Tứ cho biết.

Đây là đợt kiểm tra chất lượng thủy sản có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản còn bố trí lực lượng tại cảng cá Thọ Quang để lấy mẫu các loại hải sản vừa được đánh bắt, đang cập bến để làm thủ tục xuất hàng. Nếu phát hiện có độc tố, Chi cục sẽ làm việc với chủ tàu, khoanh vùng khu vực đánh bắt và kiến nghị thu hồi hải sản không bảo đảm an toàn.

Nhiều loại trái cây Trung Quốc nhiễm độc

Trái ngược với nguồn hải sản được khẳng định an toàn, các loại trái cây, đặc biệt trái cây ngoại nhập, lại là thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra chất lượng. Bởi quy định pháp luật hiện nay vẫn còn quá lỏng lẻo, khiến các đơn vị thực thi bị động, lúng túng trong xử lý.

Ngày 9-8, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản xin ý kiến chỉ đạo về việc phát hiện trái cây nhập từ Trung Quốc có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, đơn vị này đã lấy 5 mẫu củ, quả gồm: lê, táo, nho, cà rốt, khoai tây có xuất xứ Trung Quốc được nhập về chợ Đầu mối Hòa Cường để phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả phân tích cho thấy trong táo, nho, khoai tây nhập từ Trung Quốc đều có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. “Đặc biệt, trong nho Trung Quốc, chúng tôi phát hiện có đến 8 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, 2 hoạt chất trong số đó là Hexaconazole và Difenoconazole đều vượt ngưỡng cho phép”, ông Tứ nói.

Chợ Đầu mối Hòa Cường là điểm phân phối trái cây, rau, củ chủ lực của thành phố. Trung bình mỗi ngày, nơi đây nhập về khoảng 400 tấn rau, trái cây các loại, trong đó 20-24% là nhập từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Theo quy định, việc kiểm tra, xử lý thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện trên cơ sở đối chiếu các nội dung tại Quyết định số 48/2007 của Bộ Y tế và Thông tư số 68/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Tuy nhiên, bản thân hai văn bản pháp quy này vẫn chưa hoàn thiện, một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được quy định mức giới hạn cho phép. Nghĩa là nếu phát hiện có thì chúng tôi cũng không thể biết là vượt mức hay không.

Trong 8 hoạt chất được phát hiện ở nho Trung Quốc mới đây, có đến 3 hoạt chất chưa được quy định mức giới hạn. Đã đến lúc các bộ, ngành Trung ương cần thay đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định, bởi hai văn bản pháp quy này ban hành từ 7-10 năm trước, không còn phù hợp thực tế”, ông Tứ kiến nghị.

Ngoài ra, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố, việc kiểm tra, phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất tốn kém và mất thời gian nên nếu phát hiện có hóa chất thì nguồn hàng cũng đã... được tiêu thụ hết. Nếu có cũng chỉ mang tính cảnh báo, phòng ngừa cho những chuyến hàng sau.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.