Lấn chiếm vỉa hè họp chợ; rác thải vương vãi; quảng cáo, rao vặt chằng chịt; hốc cây thành hố rác… đã giảm đáng kể trên những con đường, góc phố sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị 43 CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng.
UBND phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) huy động nhiều lực lượng ra quân dọn dẹp rác, xà bần trên địa bàn phường. |
Đổi thay ở những điểm “nóng”
4 giờ sáng, khu vực đường Võ Văn Tần và Hải Phòng nối dài (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) bày bán đủ các loại nông sản như: bắp, đậu, khoai, sắn… Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hoạt động buôn bán tại đây đã dần đi vào nền nếp. Ông Ngô Chính Công, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián cho biết, hoạt động kinh doanh trên tuyến đường Võ Văn Tần từng khá phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, lực lượng quy tắc đô thị phường đều “bám” vào đây. “Cùng với quy tắc đô thị quận, chúng tôi cắt cử người túc trực, nhắc nhở bà con không tràn xuống lòng đường. Song để xử lý dứt điểm cần có giải pháp dài lâu, vì họ đều là người nghèo, từ các vùng quê về buôn bán và khu vực này cũng là điểm buôn bán nông sản lâu đời nên khó vận động di dời”, ông Công nói.
Một “điểm sáng” khác về mỹ quan đô thị tại Đà Nẵng dễ dàng nhận thấy là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xóa dần những hình ảnh phản cảm. Các “điểm tập kết” rác trên những tuyến phố Lê Đình Dương, Hàm Nghi, Quang Trung… đã dần được cải thiện. Ông Nguyễn Quang (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chia sẻ, ngay địa bàn phường có công viên tam giác Quang Trung - Ông Ích Khiêm - Đống Đa là nơi để người dân tập thể dục, hóng mát hằng ngày nhưng việc đặt để các thùng rác nhếch nhác, gây mùi hôi rất khó chịu. Hiện tại, ô nhiễm đã giảm nhưng vẫn chưa triệt để.
Bên cạnh nỗ lực của mỗi địa phương, việc giải quyết các điểm nóng về trật tự mỹ quan đô thị còn có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Xây dựng đã tham mưu triển khai các biện pháp cụ thể trong phát triển mảng xanh, quản lý kiến trúc công trình, chỉnh trang mỹ quan, quản lý điện chiếu sáng, trật tự xây dựng, góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan cho thành phố.
Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt 6 phương án đi cáp của các đơn vị, doanh nghiệp sở hữu, sử dụng cáp thông tin; phối hợp kiểm tra và yêu cầu xử lý đối với 13 trường hợp cáp thông tin bị sự cố hoặc kéo treo sai quy định; thực hiện sắp xếp cáp thông tin kéo treo tại 81 đoạn/tuyến đường, khu vực với tổng chiều dài là 38.148 mét, (kế hoạch cả năm 2016 chỉ 41 đoạn/tuyến đường). Việc sắp xếp cáp thông tin tạo nên cảnh quan môi trường, an toàn giao thông và bảo đảm thông tin liên lạc, được người dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ.
Lực lượng Công an thành phố, Thanh tra Sở Xây dựng và các quận, huyện, phường, xã xử lý 3.467 trường hợp vi phạm về trật tự vỉa hè, trật tự xây dựng; đẩy đuổi, nhắc nhở hàng ngàn trường hợp lấn chiếm vỉa hè, thu giữ hàng ngàn vật dụng.
Tăng cường quản lý, xử lý
Xác định thực hiện văn hóa, văn minh đô thị là việc làm lâu dài và thường xuyên, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục duy trì thực hiện, không được buông lỏng. Thành phố cũng đồng ý chọn tháng 9 là tháng cao điểm thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016.
Ngay trong tháng 8, các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch, trong đó, tập trung vào giải quyết điểm nóng, tồn tại của từng địa phương. Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong tháng cao điểm về Năm văn hóa, văn minh đô thị, quận tập trung hai vấn đề lớn là xử lý ô nhiễm môi trường và quảng cáo, rao vặt miễn phí.
“Sáng 28-8, từng địa phương trên địa bàn quận đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại 50 điểm tập trung, với khoảng 3.000 lượt người tham gia, khởi đầu cho tháng cao điểm. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi đổ chất thải, giá hạ, xà bần không đúng quy định nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm “nóng”, khu đất trống ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực, tuyến đường trung tâm, khu vực tập trung đông du khách”, ông Hòa nói.
Với quận Thanh Khê, UBND quận chọn tuyến đường Nguyễn Tất Thành để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề về an ninh trật tự tại các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ ăn uống; an toàn giao thông; buôn bán, kinh doanh dịch vụ ăn uống lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; bán hàng rong, chèo kéo khách, bán hàng có sử dụng loa phóng thanh; xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống… Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng như: vi phạm trật tự đô thị, trật tự vỉa hè tại các chợ Tân An, Thuận An, chợ cóc Tân Hòa (phường An Khê); lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông trước khu vực chợ Tân Lập (phường Thạc Gián, Vĩnh Trung)...
Riêng quận Hải Châu, thực hiện Tháng cao điểm văn hóa, văn minh đô thị kết hợp thực hiện “Thành phố 4 an”, địa phương chú trọng thực hiện tuần tra đêm nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn được xem là trọng điểm của thành phố. “Quận huy động hơn 17.000 lượt công an, dân quân, dân phòng tuần tra phòng, chống tội phạm; qua đó, giải tán nhiều nhóm thanh niên tụ tập khuya gây mất trật tự, ngăn chặn các vụ đánh nhau, phá được nhiều vụ án… Đẩy mạnh mô hình này bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ khác về văn hóa, văn minh đô thị sẽ góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn”, ông Nguyễn Văn Sanh, Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu chia sẻ.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ