Chính trị - Xã hội
Hơn 10.000 hộ dân Hòa Vang thiếu nước thủy cục
Đến nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn hơn 10.000 hộ dân chưa có nước thủy cục, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày trong khi không ít nơi, đường ống dẫn nước chạy ngang trước ngõ từ nhiều tháng nay.
Người dân thôn Phước Hậu phải sử dụng nước giếng cho đời sống sinh hoạt hằng ngày. |
Chỉ cách Nhà máy nước Cầu Đỏ chừng 4-5 cây số, vậy mà xã Hòa Phước vẫn còn 1.334 hộ dân đang trông ngóng nước sạch. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, không còn cách nào khác, người dân bất đắc dĩ phải sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn và ô nhiễm.
Ông Đặng Lanh, Trưởng thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước cho biết: Từ nhiều năm nay, người dân mỏi mắt trông chờ nước sạch. Kiến nghị nhiều lần mới thấy các cấp đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống. Nhưng rồi để có nước dùng không hề đơn giản. Thời điểm hiện tại, trong số 428 hộ toàn thôn, mới có gần 20 hộ đã sử dụng nước sạch. Về nguyên nhân, ông Đặng Lanh chia sẻ: “Bên cấp nước yêu cầu hộ sử dụng nước đến Chi nhánh Cấp nước Cẩm Lệ đăng ký. Hồ sơ đăng ký bao gồm sổ đỏ, sổ hộ khẩu, CMND. Đăng ký xong, họ cử nhân viên vào khảo sát lắp đặt, lập dự toán. Tiếp theo đó, người dân ra chi nhánh một lần nữa ký hồ sơ dự toán (thực chất là thanh toán chi phí phát sinh) và ký hợp đồng sử dụng nước. Xong xuôi đâu đó, họ mới lắp đặt đường ống vào tận nhà và đồng hồ. Người dân bận bịu với công việc, không phải ai cũng có điều kiện đi 2 lần để làm thủ tục bắt nước. Những hộ không có sổ đỏ hoặc hộ khẩu đành chịu”.
Không chỉ xã Hòa Phước, một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng gặp tình trạng tương tự. Để có nước thủy cục, người dân lên xuống nhiều lần với các thủ tục khá rườm rà. Tại xã Hòa Nhơn, hệ thống đường ống đã về 15/15 thôn, thế nhưng trong số hơn 3.600 hộ dân mới có 1.216 hộ dân có nước sạch. Như xã Hòa Ninh mới có 747 hộ trong tổng số 1.352 hộ dân toàn xã đã lắp đặt đồng hồ sử dụng nước.
Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, đến thời điểm này, trên địa bàn 8 xã gồm: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh, do công ty đảm nhiệm việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch, có 21.548 hộ dân đã lắp đặt đồng hồ sử dụng nước, chiếm 65% số hộ ở khu vực nông thôn. Trong số 91 thôn của 8 xã, 46 thôn đã lắp đặt xong hệ thống đường ống cấp nước, 34 thôn mới lắp đặt 1 phần và 1 thôn (Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước) chưa lắp đặt.
Như vậy, trên địa bàn Hòa Vang còn 11.554 hộ dân chưa được dùng nước thủy cục. Trong số này, 4.185 hộ của 3 xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Bắc sử dụng nước tại các hệ thống cấp nước tập trung từ nước ngầm và tự chảy do Sở NN&PTNT đầu tư, quản lý. Đến nay, có 7.369 hộ dân với 22.547 nhân khẩu đang sử dụng nước giếng, chiếm 17,8%. Có thể nói, địa bàn nông thôn ở Đà Nẵng không lớn, gần khu vực đô thị, song tỷ lệ hộ dân sử dụng nước thủy cục chưa cao. Trong khi đó, đầu tư cho lĩnh vực này vừa có nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia bằng vốn Trung ương, vừa từ ngân sách thành phố.
Hiện người dân đang phải lo lắng đến nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, chưa nói đến nước của hơn 7.000 hộ đang sử dụng chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ bị ô nhiễm rất lớn. Về nguyên nhân nước sạch chậm về nông thôn, nhất là ở 3 xã Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, qua tìm hiểu, có thể thấy một số nguyên nhân là do: các cấp, ngành và cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm, đầu tư kịp thời cho nước sạch nông thôn; một số dự án triển khai quá trì trệ: không ít dự án do Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm thi công lắp đặt đường ống, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng chịu trách nhiệm quản lý, cấp nước nhưng sự phối hợp giữa 2 đơn vị này chưa đồng bộ, công trình bàn giao đưa vào sử dụng kéo dài. Hơn nữa, thủ tục lắp đặt đồng hồ cấp nước chưa tạo thuận lợi cho hộ sử dụng. Bên cạnh đó, những khu vực ít dân cư, việc đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước còn bỏ ngỏ.
Từ thực trạng nêu trên, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần chú trọng và đẩy nhanh tiến độ cấp nước cho khu vực còn lại. Được biết, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng đã sử dụng 7,89 tỷ đồng từ vốn khấu hao của doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tại 8 xã được giao.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu