Chính trị - Xã hội
Tiếc thương nhà báo Đinh Chương
Cách đây hơn 5 tháng, tôi cùng anh Đặng Minh Phương, anh Hồ Duy Lệ đến thăm anh Đinh Chương tại nhà riêng số 257/27 Đống Đa (Đà Nẵng). Anh và chị Ngọc Bích (vợ anh) vui vẻ đón chúng tôi. Thấy anh hồng hào, có da thịt hơn, chúng tôi rất mừng. Anh tâm sự: “Bây giờ, mình đã thoát nghèo” vì năm ngoái bán được căn nhà số 8 Lê Thánh Tôn, mua lại căn nhà này, dư chút ít cho con và còn lại tí chút dành cho hai vợ chồng dưỡng già”. Rồi anh nói vui rằng, “đến cuối đời, mình mới thoát được cụm từ nhà báo xác xơ”. Anh cười, chúng tôi cùng cười, dù trong nụ cười của chúng tôi có cái gì đó không khỏi chạnh lòng.
Nhà báo Đinh Chương (Ảnh do nhà báo Hồ Duy Lệ chụp ngày 13-4-2016). |
Thế mà trưa 25-9, tôi nhận được điện thoại của chị Ngọc Bích cho biết, anh Đinh Chương - nhà báo lão thành công tác tại TTXVN - người đã nhiều năm đi theo Bác Hồ để đưa tin, viết bài, vừa vĩnh biệt chúng ta lúc 5 giờ ngày 25-9-2016.
Để tỏ lòng tiếc thương và kính trọng anh - người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin giới thiệu bài viết của anh đã gửi tặng tôi cách đây hơn 20 năm về trước.
HUỲNH VĂN CHÍNH
Nhà báo “xác xơ”
Cách đây 12 năm, ngày 19-5-1993, tôi về thăm nơi ở của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và làm việc với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề nghị nguyên Thủ tướng - nhà văn hóa lớn, viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Những kỷ niệm về Bác”(*) do tôi biên soạn.
Đúng giờ hẹn, nguyên Thủ tướng và đồng chí thư ký của ông gặp tôi tại vườn Phủ Chủ tịch nhiều hoa thơm và nắng rực rỡ. Ông hỏi:
- Đồng chí Đinh Chương đâu? Nhà báo “xác xơ” đâu?
- Dạ thưa, cháu đây ạ.
Nguyên Thủ tướng, anh Nguyễn Tiến Năng và tôi ngồi trên chiếc ghế đá dài đặt bên đường xoài mát rượi.
Trong câu chuyện, nguyên Thủ tướng khen:
- Đồng chí viết nhiều về đề tài Bác Hồ thì quý lắm!
Và mấy lời về cuốn sách “Những kỷ niệm về Bác” của nguyên Thủ tướng là:
“Tôi khuyên mọi người, nhất là tuổi trẻ nam nữ nếu có cơ hội thì nên đọc cuốn sách này . Đây là những bài viết, đúng hơn là những bài ghi những điều kể lại bởi những đồng bào và chiến sĩ từ quê nhà ra Hà Nội đã gặp Bác. Những câu chuyện kể lại này là những trang vô giá, bởi lẽ nó thể hiện những tình cảm, những xúc động, những giọt nước mắt và những lời âu yếm chỉ có ở một con người, và tất cả những tình cảm biết bao đẹp đẽ đó sẽ mãi mãi đọng lại ở những dòng chữ trên những trang giấy của cuốn sách này.
Các bạn sẽ đọc cuốn sách này với những tình cảm và sự xúc động như những người trong cuộc, và các bạn sẽ thấy những lời khuyên của tôi là đúng”.
Cuối buổi làm việc hôm ấy, nguyên Thủ tướng nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi của ông về Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng và lời căn dặn về vấn đề đoàn kết nội bộ. Nguyên Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng, như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Tôi xin trở lại câu chuyện nhà báo “xác xơ”
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, tôi mang nhiều bệnh kinh niên khó chữa (đã cắt ¾ dạ dày), phải ra vào Bệnh viện C - Đà Nẵng thường xuyên. Các thầy thuốc ở bệnh viện xem tôi như người nhà.
Các anh lãnh đạo cũ của bệnh viện thường gọi tôi là nhà báo “xác xơ”, bệnh tật đeo đẳng mãi và quá nhiều. Nữ anh hùng Trần Thị Lý cũng thường xuyên điều trị tại bệnh viện này với chế độ đặc biệt. Tôi đã viết rất nhiều mẩu chuyện về Lý, gia đình, người thân của Lý, đáng chú ý là bài “Sống trong muôn vàn tình thương yêu của Bác” và “Các cháu anh hùng”. Lý cũng gọi tôi là anh nhà báo “xác xơ”.
Sau này, trong những lần nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Đà Nẵng và lần nào cũng đến thăm Lý tại nhà, tôi thường có mặt ở nhà Lý.
Mỗi khi chú Tám đến, Lý báo trước để chứng kiến những buổi ông đến thăm và có tư liệu viết về người nữ anh hùng đất Quảng yêu thương. Một lần, ông hỏi Lý:
- Còn ai có mặt ở nhà cháu không?
Lý trả lời:
- Dạ thưa chú, có anh nhà báo Đinh Chương thường viết về Bác Hồ mà các anh lãnh đạo Bệnh viện C gọi là nhà báo “xác xơ” .
Và rồi, hôm nay, một ngày giữa tháng 5 tươi đẹp, từ Đà Nẵng ra Hà Nội thăm chú Tám (Anh Tô, Anh Đồng)(**), chú lại gọi nhà báo “xác xơ”. Tôi nhìn chú Tám đôi mắt không còn nhìn rõ như xưa và những cử chỉ của người già, lòng tôi rưng rưng cảm động. Tôi hết sức biết ơn chú Tám quan tâm đến công tác xuất bản báo chí. Tôi đã học tập biết bao điều quý báu về báo chí cách mạng nói chung và ngành thông tấn nói riêng mà ông đã nhắc nhở, căn dặn những người cầm bút. Những bản tin, bài báo tôi viết được tự tay ông chữa lại là những kỷ niệm vô giá trong đời làm báo của tôi...
Bác sĩ Đinh Tiến Liệu ở Bệnh viện C - người thầy thuốc ưu tú được thưởng huy hiệu Bác Hồ do cứu sống người bệnh 3 lần ngừng thở - đã chữa bệnh cho Trần Thị Lý và cho tôi, viết vào sổ lưu niệm của tôi: “Biết viết gì cho anh đây, một nhà báo nghèo xác xơ, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường gọi. Tôi với anh cùng họ nhưng không cùng quê, tôi ở Quảng Ngãi, anh ở Quảng Nam, nghề nghiệp khác nhau, anh cầm bút, tôi cầm dao, kéo và ống nghe. Tình cảm của tôi đối với anh vượt quá tình bạn bè mà trở thành cao hơn tình ruột thịt. Lấy nước sông Thu Bồn làm mực. Chặt hết cây núi Thiên Ấn làm bút cũng không nói hết tình cảm của tôi đối với anh. Tôi rất quý anh ở tính trung thực...”.
Và Trần Thị Kim Cúc, nữ biệt động thành Đà Nẵng, người con gái nuôi của cố Thủ tướng cũng đã ghi lưu niệm cho tôi: “Năm 1993, em mang toàn bộ tập ảnh lưu niệm về chân dung chú Tám ra tận Phủ Chủ tịch trao cho chú, kể cho chú nghe về anh, về người phóng viên nghèo xác xơ xác mướp… Chú Tám xúc động kêu lên: “Ôi, ông Đinh Chương ơi, ông Đinh Chương! Người phóng viên, ông nhà báo nghèo xác xơ! Nhưng tấm lòng nhiệt thành cách mạng như vậy thật đáng quý, đáng quý!”.
ĐINH CHƯƠNG
* Những kỷ niệm về Bác (ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của những người con Quảng Nam – Đà Nẵng vinh dự được gặp Bác Hồ), NXB Đà Nẵng, 1994
** Chú Tám: tên riêng của Thủ tướng thường xưng hô và ký sau những lá thư gửi các cháu gái Trần Thị Lý, Trần Kim Cúc... quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng.