Chính trị - Xã hội

Thực hiện đề án giảm nghèo

Nông dân giúp nhau thoát nghèo

08:46, 21/10/2016 (GMT+7)

Các hình thức giúp hội viên nghèo như hỗ trợ vốn, sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của các cấp Hội Nông dân thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Hỗ trợ chuối giống cho hộ nghèo ở xã Hòa Sơn (Hòa Vang).
Hỗ trợ chuối giống cho hộ nghèo ở xã Hòa Sơn (Hòa Vang).

Trên địa bàn thanh phố thời gian qua xuất hiện nhiều hình thức hỗ trợ người nghèo vươn lên làm ăn thoát nghèo, như trường hợp 4 cán bộ Hội Nông dân quận Sơn Trà hằng tháng trích tiền lương góp dồn được 6 triệu đồng và hỗ trợ sinh kế, vật dụng gia đình cho 3 hội viên nghèo, mỗi trường hợp 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Mười (tổ 5, phường Mân Thái), một trong ba trường hợp được nhận phần quà thắm tình nhân ái ấy, xúc động nói: “Số tiền này thật quý giá đối với gia đình tôi, tôi sẽ mua chiếc xe đạp để làm phương tiện cho con đến trường”.

Trong khi đó, Hội Nông dân phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) vận động hội viên đóng góp, hỗ trợ 4 địa chỉ nhân đạo, mỗi trường hợp 1,8 triệu đồng. Trong đó, anh Trương Anh Tuấn ở khu phố Xuân Đán 3, bị khuyết tật vận động, hoàn cảnh hết sức khó khăn, được Hội đem tiền đến trao tận nhà.

Không chỉ riêng ông Mười hay anh Tuấn, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm nông dân nghèo được Hội Nông dân các cấp quan tâm giúp đỡ. Ở huyện Hòa Vang hằng năm, mỗi Hội cơ sở tập trung giúp 2 gia đình hội viên nghèo cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây cao sản. Các hộ này được hội viên toàn xã phối hợp hỗ trợ giống, phân bón, công lao động để trồng vườn cây có năng suất cao; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như ông Nguyễn Viết Toản ở thôn An Tân (xã Hòa Phong) được Hội vận động hỗ trợ kinh phí và công lao động trồng vườn thanh long ruột đỏ, thường xuyên có quả bán, giúp gia đình ông Toản có nguồn thu nhập hằng tháng. Còn hộ ông Lê Văn Tào ở thôn Đại La (xã Hòa Sơn) được hỗ trợ vốn, cây giống, kỹ thuật để trồng đu đủ lùn quả to. Từ vườn tạp và cuộc sống khó khăn, bây giờ ông Tào có vườn đu đủ trĩu quả, có sản phẩm bán quanh năm và đã được công nhận thoát nghèo bền vững…

Tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hội Nông dân liên hệ với chủ các lô đất chưa xây dựng công trình để cho nông dân mượn đất canh tác, giúp bà con nông dân có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều nhất là những nông dân lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn, sau quy hoạch, giải tỏa không có điều kiện chuyển đổi nghề mới. Cách làm này vừa đem lại thu nhập cho gia đình hội viên, vừa góp phần làm sạch đẹp môi trường, cảnh quan đô thị.

Đặc biệt, ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), Hội Nông dân phát động mô hình “Tiết kiệm giúp hội viên nghèo”, thu hút 34 chi hội tham gia. Theo đó, từng chi hội vận động hội viên thu gom vỏ lon nước giải khát để bán gây quỹ hỗ trợ cho những hội viên khó khăn, đau ốm, hoạn nạn. Mô hình này tạo nên nguồn quỹ từ 250.000-300.000 đồng/tháng để giúp đỡ các hoàn cảnh thương tâm, được đông đảo hội viên đồng tình hưởng ứng…

Ngoài ra, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp chăm lo đào tạo nghề cho bà con nông dân, kết hợp hỗ trợ vật liệu, phương tiện, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình. “Hội luôn chú trọng giúp hội viên nghèo làm ăn vượt khó vươn lên, với phương châm “giúp cần câu quan trọng hơn giúp con cá”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đặng Công Thắng chia sẻ.  

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.