Chính trị - Xã hội

Tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ

08:05, 03/10/2016 (GMT+7)

Với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, những năm qua, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức liên quan đến đời sống của hội viên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trợ giúp pháp lý nói riêng, luôn được các cấp Hội xác định là nội dung quan trọng, góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thân cho phụ nữ.

Diễn đàn “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của hòa giải viên, thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức vào tháng 3-2016.
Diễn đàn “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của hòa giải viên, thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức vào tháng 3-2016.

Xác định công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ Hội cơ sở là khâu đột phá và có tính quyết định sự thành bại của chương trình, ngay sau khi Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật thành phố tái lập, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đã triển khai các lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp lý và hòa giải cơ sở; thường xuyên lồng ghép chuyên đề “bồi dưỡng kiến thức pháp luật” trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ chi, tổ phụ nữ.

Qua đó, lấy lực lượng này làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền ở cơ sở. Chỉ trong 2 năm (2015-2016), thông qua các hình thức như tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt trong các tổ, nhóm... đã có 37 cuộc tập huấn; 4 cuộc thi viết bài và hàng trăm ngàn điểm tuyên truyền “Tìm hiểu Luật hôn nhân gia đình”; “Bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình” được tổ chức với sự tham dự của hơn 350.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.

Các buổi trao đổi, mạn đàm và cả những câu chuyện người thật, việc thật về hôn nhân và gia đình; hay các văn bản pháp luật được cập nhật chuyển tải thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Hội đã góp phần mang lại kiến thức để chị em tự bảo vệ chính mình hoặc nắm các thông tin về đăng ký kết hôn, làm hộ tịch, hộ khẩu...

Việc tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động trong nhân dân cũng được các cấp Hội chú trọng. Bởi thực tế, trong 16.841 trường hợp đăng ký kết hôn gần 3 năm qua trên địa bàn thành phố đã ít nhiều minh chứng hiệu quả từ hoạt động này.

Chính điều này đã thôi thúc các cấp Hội tổ chức 19 đợt trợ giúp pháp lý trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai (riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức 8 đợt tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý) cho 1.742 người dân trên địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Nhiều nơi như xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Khương..., Hội Phụ nữ còn tích cực cử thành viên tham gia vào tổ hỗ trợ pháp lý miễn phí.

Việc giúp chị em am hiểu pháp luật để không vi phạm, sống và làm đúng nghĩa vụ với gia đình đã khó, việc giúp chị em hàn gắn hạnh phúc gia đình còn khó hơn. Bởi thực tế, chị em gặp khó khăn, mâu thuẫn thường gọi cán bộ Hội hoặc tìm đến Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn của Hội Phụ nữ thành phố, nhưng nhiều lúc cán bộ Hội tìm đến, gia đình lại bảo chuyện riêng, cán bộ phụ nữ “mắc gì tham gia”?

Nhìn lại con số 1.004 trường hợp mâu thuẫn gia đình được cán bộ Hội phối hợp hòa giải thành công, chúng ta mới cảm nhận phần nào sự nỗ lực của các cán bộ phụ nữ ở cơ sở. Hiện tại, tùy theo từng mức độ khác nhau mà 1.876 chị cán bộ Hội từ chi, tổ đến phường, xã đều tham gia công tác hòa giải, trong đó có 1.764 là cán bộ Hội được công nhận là hòa giải viên cơ sở. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể hàn gắn, nhiều trường hợp như chị Nguyễn thị T. (ở Hòa Phong) chỉ vì nghi ngờ chị ngoại tình nên chồng và em chồng đã ngang nhiên đánh đập chị... thì tổ hòa giải phải trên cơ sở nhu cầu và quyền của phụ nữ, đứng ra bảo vệ chị em đến cùng. Có thể hạnh phúc gia đình sẽ xa rời các chị, nhưng những chuỗi ngày bình yên sẽ phần nào vợi đi nỗi đau của bản thân...

Bình quân mỗi năm, Hội Phụ nữ nhận được khoảng trên dưới 180 đơn thư các loại, trong khi đó đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách công tác tư vấn, xử lý đơn thư rất mỏng, lại kiêm nhiệm nên có lúc, có nơi tình trạng xử lý đơn thư và giám sát việc xử lý đơn thư (đối với đơn thư chuyển các cơ quan chức năng) không kịp thời và chưa sâu sát.

Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân trong đó có phụ nữ về việc học tập để hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên số chị em tham dự chưa nhiều... Thực tế đó, cũng đặt ra sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành đối với công tác trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung. Bởi không phải lúc nào cán bộ Hội cũng hội đủ những điều kiện cần của một hòa giải viên.

Theo số liệu thống kê của ngành Tòa án, trong 5 năm (2011-2015) và 6 tháng đầu năm 2016 toàn ngành thụ lý 12.061 vụ việc liên qua đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó giải quyết 8.842 vụ án ly hôn. Có 992 trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình bị xử lý hành chính; 11 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù). Riêng bạo lực gia đình dẫn đến ly hôn là 769 trường hợp và mâu thuẫn gia đình là 5.895 trường hợp.

Bài và ảnh: HOÀNG THẮM

.