Chính trị - Xã hội

Văn hóa giao thông từ cách ứng xử

08:29, 31/10/2016 (GMT+7)

Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) thân thiện, có lối ứng xử văn hóa góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh Đà Nẵng.

Độ hài lòng của người dân chính là thước đo về sự ứng xử văn hóa và đúng luật của lực lượng Cảnh sát giao thông quận Thanh Khê.
Độ hài lòng của người dân chính là thước đo về sự ứng xử văn hóa và đúng luật của lực lượng Cảnh sát giao thông quận Thanh Khê.

Với địa bàn có nhà ga, cảng hàng không quốc tế và 145 con đường có tên cùng nhiều đường bê-tông nội bộ và 20 giao lộ có tín hiệu đèn, tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn quận Thanh Khê vì thế khá phức tạp. Đặc biệt, sau khi nút giao thông ngã ba Huế đi vào hoạt động, lưu lượng xe trên các tuyến đường của quận càng tăng.

Để bảo đảm tình hình ANTT, ATGT, Đội CSGT (Công an quận Thanh Khê) thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đề xuất cấm các loại xe đầu kéo lưu thông từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến vi phạm ATGT và ANTT giảm đáng kể. Quan trọng hơn, dù có không ít trường hợp vi phạm, song bằng việc thực hiện đúng điều lệnh, xử lý có tình, có lý, lực lượng CSGT quận Thanh Khê hầu như chưa gặp tình trạng chống đối, phản ứng, tạo nên những “điểm nóng” trên địa bàn.

Theo Trung tá Phạm Bảy, Đội trưởng Đội CSGT (Công an quận Thanh Khê), để giữ được hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, CSGT nói riêng trong mắt người dân là cả quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vi: “Xác định hoạt động trong lĩnh vực khá nhạy cảm, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đội phải có bản lĩnh, khả năng giải quyết tình huống cùng sự am hiểu pháp luật và quy trình xử lý.

Hằng tuần, chúng tôi đều có sinh hoạt chuyên đề; đồng thời, Ban Chỉ huy Đội thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các bộ phận, nhất là các tổ tuần tra. Mặt khác, chúng tôi xây dựng những kênh thông tin để người dân và báo chí kịp thời phản ánh những việc tốt lẫn những biểu hiện chưa tốt của anh em. Cho đến nay, các bộ phận của đơn vị như tuần tra, kiểm soát, xử lý tai nạn, đăng ký xe hay tiếp dân... đều nhận được những lời khen ngợi và chưa có cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật”.

Trong quá trình xử lý các lỗi vi phạm, CSGT luôn hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho từng trường hợp cụ thể. Khi được hỏi về trạng thái tâm lý trong lúc thực thi nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Phạm Thanh Tú cho biết: “Không ít trường hợp người vi phạm có lời lẽ không chuẩn mực, thậm chí mang tính chống đối, nhưng ý thức được trách nhiệm nên chúng tôi kiên trì giải thích và kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm nặng. Dần dà, mọi người cũng thay đổi nhận thức và hợp tác rất tốt với anh em làm nhiệm vụ”.

Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình TNGT trên địa bàn quận Thanh Khê cơ bản được kiềm chế, các chốt giao thông thường ùn tắc vào giờ cao điểm được giải quyết kịp thời. Trong 9 tháng qua, Đội CSGT quận Thanh Khê phát hiện và lập biên bản 4.880 trường hợp, xử phạt 4.537 trường hợp, phạt tiền hơn 1,8 tỷ đồng, tước GPLX có thời hạn 528 trường hợp; thực hiện 575 lượt tuyên truyền lưu động các quy định pháp luật về trật tự ATGT trên các tuyến đường chính, nhất là tuyên truyền quy định mới về cấm đậu đỗ xe ngày chẵn, lẻ đối với 4 tuyến đường. Chi đoàn Thanh niên CSGT quận xây dựng kế hoạch triển khai công trình “Ngã tư an toàn Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập”, tổ chức tuyên truyền lưu động trên tuyến Điện Biên Phủ vào sáng thứ bảy hằng tuần. Bên cạnh đó, Đội tham mưu cho lãnh đạo Công an quận phân công lực lượng tham gia chống ùn tắc tại các giao lộ đường sắt - đường bộ, các chốt đèn, nút giao thông trọng điểm, trước cổng trường học...

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

.