Chính trị - Xã hội
Vật liệu nổ: Hãy cẩn trọng!
Hàng trăm người tại Đà Nẵng bị thương tật, tàn phế do vật liệu nổ gây ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mỗi người phải cẩn trọng với vật liệu nổ như bom, mìn...
Trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom, mìn sau chiến tranh. |
Bà Nguyễn Thị Điểm, 69 tuổi (ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chống đôi nạng gỗ đi từng bước khó khăn, nhớ lại câu chuyện suốt đời bà không thể quên. Đó là năm 1978, khi bà đang vỡ hoang thì cuốc đụng mìn, bị thương nặng và phải cắt cụt một chân. Sau khi nằm bệnh viện mấy tháng ròng, bà trở về đối mặt với cuộc sống gia đình đầy khó khăn khi bà là lao động chính lại trở thành tàn phế. Được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam hỗ trợ 12 triệu đồng, bà mua một con bò giống chăn dắt...
Ông Huỳnh Tấn Tiến, 60 tuổi (ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cũng bị cụt chân do bom, mìn sau chiến tranh. Những năm sau giải phóng, ông đi rà phế liệu kiếm tiền và trong một lần rà trúng quả mìn khiến mìn phát nổ, ông đã mất đi một phần thân thể. Được Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam giúp 12 triệu đồng, ông Tiến đầu tư làm chuồng trại nuôi gà khi hai tay vẫn còn khả năng lao động...
Đó chỉ là 2 trong hàng trăm nạn nhân bom, mìn sau chiến tranh tại Đà Nẵng. Theo thống kê mới đây, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, toàn thành phố xảy ra 126 vụ tai nạn bom, mìn, vật nổ, làm chết 50 người, bị thương 357 người và nhiều người tàn tật nặng. Hiện số bom đạn chưa nổ trên địa bàn thành phố ước tính còn hàng trăm tấn, chủ yếu là bom bi, bom xuyên, bom phá, đạn pháo, đạn cối, mìn bộ binh, mìn chống tăng, tên lửa rốc-két và nhiều loại vật nổ khác. Đà Nẵng cần khoảng 2.450 tỷ đồng mới rà phá hết 50.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trong toàn thành phố.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn thành phố cho rằng, để khắc phục hậu quả ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh cần phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và cộng đồng quốc tế bên cạnh sự kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, từng người phải tự biết phòng ngừa cho chính mình và mỗi gia đình phải giáo dục con em không thực hiện các hành vi nguy hiểm như cưa, đục bom, mìn để lấy thuốc nổ; rà phế liệu, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật nổ trái phép; không sử dụng bom, mìn, vật nổ trong công việc mưu sinh.
Cả nước hiện còn khoảng 800.000 tấn bom, mìn sau chiến tranh, làm ô nhiễm hơn 6,6 triệu ha; mỗi năm có khoảng 1.500 người chết, 2.200 người bị thương do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh (Thông tin từ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam). |
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM