Chính trị - Xã hội
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: "Không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn"
Ngày 16-11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tập trung làm rõ các vấn đề: tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhắc lại việc ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011-2016. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh hình thức xử lý về mặt Nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có bảo đảm kịp thời tính nghiêm minh quy định của pháp luật hay không.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về mặt Nhà nước, Ban Bí thư giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan phối hợp xử lý. Đây là vấn đề khó, chưa từng có trong tiền lệ nên Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý. “Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm thì chúng ta vẫn phải có hình thức xử lý, chứ không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn”, ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng, nguyên tắc này cũng là để cảnh báo những người đang đương chức khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng, chứ không phải về hưu là hết trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước.
Bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, số tiền ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hành chính của nước ta đang quá lớn, điều này phản ánh bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp để nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt ở một số bộ ngành, địa phương. Bà Nga “truy”: “Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện? Trách nhiệm của Bộ và cách khắc phục?”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 15-9 và 31-10, Bộ Nội vụ đã có hai báo cáo về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Thời gian tổng hợp báo cáo từ giữa năm 2015 đến nay. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo nên giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến bộ ngành, địa phương và sẽ báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, theo báo cáo sơ bộ, có hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ nhưng cần phân tích việc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm đúng quy hoạch... “Điều này cần thanh tra một số nơi, cần thiết phải thanh tra công vụ. Chúng tôi sẽ có thanh tra công vụ cụ thể và có thông tin báo cáo đại biểu thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích.
Sinh viên không có việc làm do tốt nghiệp ở trường yếu kém
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nêu thực tế: Hiện có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm và có sự bất cập trong công tác đào tạo, gây mất cân đối cung - cầu.
Khẳng định đây là điều Bộ GD&ĐT đang băn khoăn, trăn trở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Theo thống kê, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên tìm được việc làm ngay rơi vào các trường tốp trên, còn phần lớn sinh viên không tìm được việc làm do tốt nghiệp ở các trường có chất lượng yếu kém, trường mới thành lập.
Bộ GD&ĐT sẽ tập trung điều chỉnh mạng lưới các trường đại học; áp dụng chuẩn bảo đảm chất lượng trường và ngành những trường mới mở, hỗ trợ theo hướng thành phân hiệu hoặc thành trường thành viên của các trường đại học lớn. Mục tiêu là hướng tới quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ “siết” chặt đầu ra và đầu vào đại học, cao đẳng. Bộ đã chỉ đạo các trường phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp. Nếu trường nào không báo cáo hoặc có số sinh viên không có việc làm cao, Bộ sẽ có giải pháp để hạn chế.
Biển miền Trung an toàn
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) xung quanh lý do vì sao tháng 1-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố kết luận thanh tra không thấy sai phạm ở Formosa nhưng vài tháng sau lại phát hiện tới 53 lỗi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: Năm 2015, Bộ tiến hành thanh tra đối với Formosa, kết thúc vào tháng 9-2015 và đến tháng 1-2016 công bố kết luận cùng với các cơ sở thanh tra khác. Thời điểm này, đoàn thanh tra xác định Formosa đang trong quá trình thi công, xây dựng nên kết luận chưa phát hiện được những sai sót và “vấn đề” trong công nghệ.
Đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng nề, Bộ trưởng khẳng định: “Bộ TN-MT thực hiện nghiêm túc kiểm điểm ngay từ những ngày đầu với tập thể Ban cán sự giai đoạn 2010-2015. Chúng tôi yêu cầu kiểm điểm với hình thức nghiêm túc, không né tránh từ dưới lên trên. Kết quả cuối cùng, Ban cán sự đảng Bộ TN-MT đã trình lên cấp trên theo quy định về kiểm tra của Đảng, còn cấp dưới thì Ủy ban Kiểm tra đang phối hợp xem xét dấu hiệu vi phạm và xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận của cấp trên, chúng tôi sẽ công bố đầy đủ cho nhân dân biết”, Bộ trưởng hứa.
Trước những lo lắng của đại biểu Quốc hội về an toàn môi trường biển, chất lượng hải sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ ngày 22-8, ông công bố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung “đã an toàn” dựa trên kết quả điều tra, đánh giá, tư vấn độc lập của các chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước. Ngày 22-9, Bộ TN-MT tiếp tục công bố an toàn về hải sản toàn bộ khu vực biển miền Trung. “Lần này, một lần nữa tôi khẳng định biển miền Trung an toàn trên cơ sở phân tích trầm tích, nước đáy, nước mặt. Hoạt động thể thao, nuôi trồng thủy sản có thể tiến hành bình thường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp với các tổ chức phân tích của thế giới để phân tích các mẫu hải sản. “Tôi tin tưởng rằng, Bộ Y tế sẽ công bố toàn bộ hải sản miền Trung an toàn”, Bộ trưởng khẳng định.
"Một lần nữa tôi khẳng định biển miền Trung an toàn trên cơ sở phân tích trầm tích, nước đáy, nước mặt" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
B.T tổng hợp