Chính trị - Xã hội
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa
Chiều 15-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà. Các đại biểu đã nêu rất nhiều câu hỏi liên quan tới lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải, sự cố môi trường… đặc biệt là vấn đề xử lý sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều câu hỏi về việc giám sát khắc phục sự cố môi trường của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa). Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi, dựa trên cơ sở nào để đảm bảo Công ty Formosa sẽ không vi phạm nữa và có những biện pháp gì để giám sát công ty này?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau khi phát hiện ra các vi phạm của Công ty Formosa, chúng tôi đã tập trung 3 nhóm vấn đề để xử lý là: nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ngoài ra, còn công nghệ sản xuất, quy trình xử lý. Bộ đã thành lập đoàn liên ngành để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục và có biện pháp xử lý cụ thể. Trong quan trình thực hiện, có cơ quan trực tiếp giám sát chất lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn thải ra.
Bộ trưởng cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Formosa phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, nếu chưa có tiêu chuẩn của Việt Nam thì áp dụng quy chuẩn cao nhất của quốc tế, tập trung vào công nghệ xử lý nước thải từ nhà máy điện, luyện cốc, cảng… đều được xem xét và có quy trình cụ thể. Đối với hệ thống xử lý chất thải của Công ty Formosa, tại cuối đường ống nước có hồ sinh học trên 10 ha được giám sát chất lượng, đáp ứng được quy chuẩn về môi trường. Hồ này yêu cầu thả cá, thực vật… để đảm bảo nước thải ra đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trong giai đoạn từ nay tới năm 2018, Công ty Formosa phải tiếp tục hoàn thành về công nghệ. Trong thời gian đó, chúng tôi yêu cầu các nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường như: khí thải, nước thải… phải tái tuần hoàn, xử lý nước luyện than cốc, kèm theo chất nguy hoại. Về chất thải rắn, bụi thải nguy hoại… trong thời gian chưa ký hợp đồng với các doanh nghiệp có năng lực xử lý thì lưu giữ trong kho. Formosa cần thay đổi luyện than cốc từ cốc ướt sang cốc khô, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO: 14.000 để đảm bảo không gây ô nhiễm, sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh trách nhiệm các cơ quan, cá nhân trong việc khi xảy ra sự cố môi trường. Nguyên nhân là do việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của các cơ quan trung ương nhưng việc cấp phép đầu tư lại ở địa phương, các phân định này được quy định ở các luật khác nhau nên chúng ta phải xem xét để trong từng luật đó, thống nhất trong việc xác định trách nhiệm, người chịu trách nhiệm thông suốt từ phê duyệt đánh giá tác động môi trường tới việc giám sát doanh nghiệp hoạt động. Trên thực tế, các cơ quan Trung ương cũng không thể kiểm soát được hết các vấn đề môi trường ở tất cả các địa phương.
Theo Tin tức