.

Lê Công Cơ: Người đưa học hiệu Duy Tân bay cao

.

Chấp nhận đánh đổi và thế chấp toàn bộ gia sản để đặt cọc vào việc thành lập trường đại học tư thục, một mô hình chưa có tiền lệ, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân) đã lèo lái “con thuyền” Duy Tân vượt qua những năm tháng khó khăn. Hơn 20 năm đã trôi qua, học hiệu Duy Tân ngày càng bay cao với khát vọng trở thành một trường đại học danh tiếng, uy tín trong ngành giáo dục đại học tại miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung.

Từ những ngày đầu của năm 1993, với tài sản duy nhất là căn nhà của gia đình đang ở, cộng với khoản tiền hơn 3 tỷ đồng (vàng lúc đó là 3 triệu đồng/lượng) người bạn cho mượn, thầy Cơ đã thế chấp và theo đuổi giấc mơ xây dựng một ngôi trường đại học đúng nghĩa ở miền Trung với tên gọi là Duy Tân, thể hiện khát vọng canh tân, đổi mới. Quá trình làm thủ tục xây dựng trường gặp nhiều gian nan do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Trong suốt 2 năm ròng rã, ông đã đi hơn 50 chuyến tàu từ Trung ra Bắc để thuyết phục, vận động và làm thủ tục xin mở trường..., để đến ngày 11-11-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 666/TTg cho phép thành lập Trường Đại học dân lập Duy Tân.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ không bao giờ từ bỏ phương châm “Đứng trên đôi vai của người khổng lồ”, nghĩa là chủ trương cải tiến chất lượng đào tạo thông qua hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Từ năm 2006 đến nay, Trường Đại học Duy Tân đã hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của 10 ngành với tổng giá trị gần 4 triệu USD với các trường danh tiếng trên thế giới. Với phương châm lấy thực hành làm trọng tâm, giúp sinh viên ra trường có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động, trong công tác đào tạo, nhà giáo Lê Công Cơ đã chỉ đạo đầu tư quyết liệt xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo 100% nhu cầu thực hành với trên 2.000 máy vi tính kết nối Internet và mạng VINAREN, 100% phòng học được trang bị máy chiếu đa phương tiện…

Thầy Cơ luôn chú trọng xây dựng bản sắc văn hóa riêng của Đại học Duy Tân, làm nền tảng cho mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Bên cạnh chính sách thu hút nhân tài tạo tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của trường, thầy Cơ đã trực tiếp chỉ đạo hệ thống thi đua chất lượng hóa toàn bộ hoạt động của trường, nhằm tạo môi trường làm việc hiệu quả, hưởng thụ công bằng và khuyến khích phát triển tài năng, gắn liền với các tiêu chuẩn thi đua của Bộ và địa phương.

Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, sinh năm 1941 tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trước năm 1975, ông là một trong những người đi đầu phong trào sinh viên đô thị miền Nam. Từng là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1978), Đại biểu Quốc hội khóa 8 (1986 -1992), Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng (1989 - 1992)... Ông được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Đà Nẵng và nhiều Huân chương, Huy chương: Giải phóng, Quyết thắng, Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Sự nghiệp Khuyến học, Doanh nhân tâm tài...

Với những cống hiến và thành tích đạt được, Nhà giáo ưu tú Lê Công cơ đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động (thời kỳ đổi mới) do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tại Quyết định số 296/QĐ-CTN, ngày 4-2-3016.

;
.
.
.
.
.