Chính trị - Xã hội

Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

08:52, 19/11/2016 (GMT+7)

Với 84,58% đại biểu tán thành, chiều 18-11, Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 68 điều, quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;...

Luật quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, theo đó mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác...

Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo…

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

B.T

.