Chính trị - Xã hội

Tiếc thương Anh, người con xứ Quảng

08:11, 02/11/2016 (GMT+7)

LTS:  Đồng chí Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - mãi mãi ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn về một con người dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí và gia đình. Với những người từng có thời gian cùng chiến đấu, học tập và lao động, đồng chí Trương Quang Được để lại nhiều ấn tượng rõ nét bởi thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần đổi mới, sáng tạo, tính cách thẳng thắn, cương trực của người con xứ Quảng nhưng ấm áp tình người…

Đồng chí Trương Quang Được (giữa, hàng đầu) tiễn đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. 				                                  (Ảnh tư liệu)Đồng chí Trương Quang Được (giữa, hàng đầu) tiễn đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. 				                                  (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Trương Quang Được (giữa, hàng đầu) tiễn đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. (Ảnh tư liệu)Đồng chí Trương Quang Được (giữa, hàng đầu) tiễn đoàn cán bộ tỉnh Quảng Nam vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. (Ảnh tư liệu)

● Ông Phan Như Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng: Dành nhiều tâm huyết xây dựng, phát triển Đà Nẵng

Anh Trương Quang Được là một người luôn nhẹ nhàng, từ tốn, biết lắng nghe ý kiến tập thể, không “đao to, búa lớn”, không áp đặt. Ở bất kỳ cương vị nào, anh cũng luôn gương mẫu, tận tụy và liêm khiết. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, anh Trương Quang Được quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, anh luôn xem cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Anh luôn có những định hướng, chủ trương quan trọng trong công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Đồng thời, anh là người đặt nền móng cho chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ” của thành phố Đà Nẵng như: tiếp nhận sinh viên khá, giỏi và cấp kinh phí để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và ở nước ngoài, đội ngũ này được tăng cường về phường, xã và có sự phát triển. Bên cạnh đó là chủ trương Bí thư Thành Đoàn không quá 40 tuổi, Bí thư Quận/ Huyện Đoàn không quá 30 tuổi, nhờ đó những người giữ các chức vụ này quá tuổi được điều chuyển công tác sang các vị trí khác. Đây chính là cơ sở để trẻ hóa đội ngũ cán bộ của thành phố Đà Nẵng. Chính vì vậy, hiện nay nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện được trẻ hóa. Từ những chủ trương trên, đã đưa thành phố Đà Nẵng trở thành địa phương trên cả nước có đội ngũ cán bộ trẻ từ cấp thành phố đến phường, xã.

Ngoài ra, anh Trương Quang Được góp phần đưa ra những chủ trương ưu tiên phát triển du lịch ở các quận ven biển; đưa công nghiệp phát triển về phía tây của thành phố như hiện nay, không tiếp nhận những doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, anh cũng chú trọng đến phát triển các giá trị văn hóa truyền thống như nghệ thuật tuồng, hát bài chòi...

● Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Tấm gương sáng ngời về nhân cách

Ở bất kỳ cương vị nào, anh Trương Quang Được cũng luôn thể hiện là một tấm gương sáng ngời về nhân cách sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và luôn có sự sáng tạo trong công việc. Trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, anh luôn điều hành Quốc hội vượt qua những vấn đề gay cấn của đất nước, nhất là ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội cũng như quốc phòng-an ninh. Ở mọi vị trí công tác, anh luôn đặt mình ở vị trí của những người dân, để thấu hiểu và đưa ra những quyết sách phù hợp với thực tế của người dân. Anh Trương Quang Được dù không còn nữa, nhưng hình ảnh thân thương của người anh, người đồng chí sắt son tình yêu đất nước, ý chí kiên định, trung thành với sự nghiệp cách mạng, cả đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ vẫn còn in đậm với quê hương, đất nước.

● Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố: Chăm lo phát triển văn hóa, bản sắc người Đà Nẵng

… Năm 1957, tôi vào lớp 5 Trường Học sinh miền Nam 24 - Hải Phòng, lúc ấy anh Trương Quang Được đã là học sinh lớp 7 - một đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và là cán bộ Hiệu Đoàn nòng cốt của trường. Với phong thái đĩnh đạc nhưng gần gũi, anh thường dặn dò lớp đàn em chúng tôi phải có ý thức sâu sắc về việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chịu khó chăm chỉ học hành, tích lũy kiến thức để ngày thống nhất đất nước, trở về chung tay xây dựng quê hương. Sau này, dù ở những địa bàn và cương vị công tác khác nhau, nhưng mỗi lần có cơ hội gặp nhau trong các cuộc họp, hội nghị hoặc hội ngộ anh em “đồng môn, đồng liêu”, anh đều thân mật hỏi han tình hình công tác, gia đình và không quên nhắc chúng tôi cố gắng hoàn thành công việc, như tình cảm người anh lo lắng cho đứa em.

Năm 1994, anh Trương Quang Được được phân công về giữ những cương vị trọng trách ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau này là thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Anh luôn theo dõi và nhắc tôi - lúc ấy là cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, cần quan tâm đến chiến lược phát triển giáo dục của địa phương trên cơ sở vận dụng những bài học tốt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, sàng lọc những mặt tích cực của nền giáo dục cũ ở miền Nam, bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển của địa phương để xây dựng sự nghiệp giáo dục xứng đáng là quốc sách hàng đầu, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong việc chỉ đạo toàn diện những vấn đề của tỉnh hay thành phố, anh luôn quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Anh chỉ đạo phải xây dựng tỉnh và thành phố không những phát triển về hạ tầng, đẹp về cảnh quan, hiện đại về kiến trúc mà phải chú ý đến việc phát triển hạ tầng văn hóa, xã hội, đặc biệt là cần có tầm nhìn về quy họach đất đai cho trường học, bệnh viện, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng, tạo ra những không gian văn hóa, thể dục thể thao, xây dựng cho được văn hóa và cốt cách người Đà Nẵng… Đến bây giờ, khi ngắm nhìn lại một số công trình của Đà Nẵng, tôi như thấy thấp thoáng hình ảnh anh Trương Quang Được với những ý tưởng chỉ đạo năm xưa… Tư duy chặt chẽ của người lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm cùng với tâm hồn nghệ sĩ của người con đất Quảng, anh Trương Quang Được đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cho sự phát triển của Đà Nẵng cả về thành phố và con người. Dẫu rất khó để nói hết những kỷ niệm về anh Trương Quang Được, nhưng chính sự chỉn chu trong công việc, lòng nhân ái với con người, tấm lòng tận tụy với sự nghiệp cách mạng, với nhân dân của anh là những dấu ấn sâu đậm trong tôi khi nghĩ về anh.                

● Ông Nguyễn Văn Ngữ, nguyên Chánh Văn phòng Ban Dân vận Trung ương: Một đời liêm khiết, thủy chung

Anh Trương Quang Được là một người luôn sống liêm khiết, thủy chung, luôn trải lòng với tất cả mọi người, không hà khắc, không gây khó khăn cho bất kỳ người nào. Anh luôn thương yêu, giúp đỡ người khác, không phân biệt cấp trên hay cấp dưới; trong con người anh luôn đầy chất văn thơ. Anh Trương Quang Được luôn lấy hiệu quả công việc làm thước đo, thường xuyên làm hết việc chứ không làm hết giờ và cùng động viên mọi người làm việc chất lượng, hiệu quả, không mảy may đến tham, sân, si trong cuộc sống.

● Ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên: Người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng

Từ tháng 1-1997 đến tháng 1-2000, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí Trương Quang Được làm Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng. Do đó có thể nói rằng, đồng chí Trương Quang Được chính là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng về sau. Đồng chí vừa thực hiện tốt việc chỉ đạo các cấp, ngành khắc phục những khó khăn của buổi ban đầu tách tỉnh, đồng thời vạch ra những định hướng đúng đắn cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong những năm tiếp theo. Từng nhiều lần tiếp xúc với đồng chí Trương Quang Được, tôi thấy đồng chí là con người trách nhiệm trong công việc, tận tụy với trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo, không ngại khó khăn, gian khổ. Bên cạnh đó, đồng chí là một người gần gũi với nhân dân, luôn mong muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để từng bước khắc phục những khó khăn, cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là trong buổi đầu thành phố tách tỉnh. Điều tôi ấn tượng với đồng chí nhất chính là sự thân thiện, nhiệt tình, gần gũi với anh em, đồng chí; dù giữ cương vị lãnh đạo thành phố nhưng đồng chí Trương Quang Được luôn nắm rõ tâm tư, đời sống anh em; động viên họ khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công việc.

● Đại tá Nguyễn Công Bôn, nguyên cán bộ Cục Chính trị QK5 (giai đoạn 1992-2009): Người lãnh đạo luôn hết mình vì nhân dân

Thời gian đồng chí Trương Quang Được được Trung ương cử về đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng có thể nói là quãng thời gian khó khăn của địa phương. Tuy công việc bộn bề nhưng đồng chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Đà Nẵng, mở đường cho những thành tựu về sau. Đồng chí Trương Quang Được là người tận tụy với công việc, vừa giữ được khí chất của người lãnh đạo, vừa gần gũi, thân tình với các đồng chí cấp dưới, với nhân dân địa phương. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người lãnh đạo giản dị, gần gũi một mình đi xe máy xuống cơ sở để tìm hiểu hoàn cảnh bà con nhân dân, đó thực sự là hình ảnh thân thương về một người lãnh đạo luôn hết mình vì nhân dân.

● Bà Hồ Thị Kim Thanh, nguyên Phó ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (giai đoạn 1992-1994): Huy động được các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng quê hương, đất nước

Trong suốt giai đoạn đương chức, đồng chí Trương Quang Được luôn quan tâm, trăn trở về phương pháp dân vận, coi đây là vấn đề phải hiểu rõ, làm thật tốt trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương; đồng thời đồng chí luôn suy nghĩ về phương pháp dân vận để làm sao huy động được các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng địa phương, đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận với các tầng lớp trí thức, các tổ chức tôn giáo… trên địa bàn để phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, ngay khi Nghị quyết 8B được thông qua vào ngày 27-3-1990 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI với chủ đề: “Đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, đồng chí Trương Quang Được luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thực hiện; đề nghị công tác dân vận phải kết hợp hài hòa giữa các lợi ích, cần quan tâm đáp ứng lợi ích của từng người, là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Trong công việc, đồng chí là người nhiệt tình, chịu thương, chịu khó, việc gì đề ra phải thực hiện cho bằng được. Đối với nhân dân, đồng chí là người gần gũi, gắn bó sâu sát với quần chúng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đề xuất những chủ trương, định hướng phù hợp.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ (thực hiện)

.