Chính trị - Xã hội

Ứng phó mưa lớn kéo dài

17:14, 01/11/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, từ ngày 1 đến ngày 3- 11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tại Quảng Trị 100-300mm/đợt, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi 200-400mm, dễ xảy ra lũ ống và lũ quét. Trước tình hình này, các cấp, các ngành thành phố đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.

Hộ nuôi cá lồng tại thôn Phò Nam tiến hành chằng, neo an toàn cho các lồng cá
Hộ nuôi cá lồng tại thôn Phò Nam tiến hành chằng, neo an toàn cho các lồng cá.

Sạt lở đất xuống đường ĐT601

Những trận mưa lớn diễn ra chiều 31-10 và rạng sáng 1-11 dẫn đến sạt lở đất tại công trình đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn – Túy Loan) qua địa phận các xã Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) xuống đường ĐT 601. Hàng chục khối đất trôi xuống đường ĐT 601 vào rạng sáng 1-11 khiến nhiều đoạn đường bị ách tắc giao thông. Ông Lê Văn Khuê (tổ 4, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên) cho hay, đất đổ xuống đường rất nhiều. Sáng sớm, do đơn vị thi công chưa khắc phục kịp nên nhiều người đi xe bị trượt té, nhiều em nhỏ đi học sớm bị bùn dính đầy người.

Cách nhà ông Khuê vài trăm mét cũng có một điểm “tràn” đất thừa của dự án xuống đường ĐT601. Anh Hoàng (tổ 4, thôn Quan Nam 3) cho biết, tối 31-10, đất sạt xuống cùng nước mưa đưa bùn vào đầy nhà. Ghi nhận của chúng tôi, nhà anh Hoàng ngập bùn, nước lênh láng. “Tôi phải dùng bao ngăn bên ngoài đường nhưng vẫn không ăn thua”, anh Hoàng nói. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, sau khi có sự cố này, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thi công tiến hành khắc phục. Đến khoảng 9 giờ 30 ngày 1-11, các đơn vị khắc phục xong các điểm sạt lở đất thừa. Tuy nhiên hiện trường để lại rất lầy lội, nguy hiểm cho người đi đường.

Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên lý giải, những điểm sạt lở chủ yếu ở các chân cầu của công trình đường La Sơn – Túy Loan. Vì là đất thừa nên mỗi khi mưa lớn là trôi xuống đường ĐT601. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này nên múc hết đất thừa đổ đi nơi khác. Lãnh đạo xã đã họp với các đơn vị thi công yêu cầu cam kết xử lý tình trạng sạt lỡ đất thừa xuống đường ĐT601.

Mưa lớn gây sạt lở đất thừa của công trình thi công đường La Sơn – Túy Loan xuống đường ĐT 601.
Mưa lớn gây sạt lở đất thừa của công trình thi công đường La Sơn – Túy Loan xuống đường ĐT 601.

Sẵn sàng các phương án ứng phó

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố cho biết, Ban Chỉ huy đã có công điện chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mưa lũ. Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã thông báo tình hình mưa, lũ cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; sẵn sàng phương án phòng chống lũ, triển khai phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng, thấp, vùng ven biển, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại khu vực ven sông Cu Đê, Túy Loan; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm.

Là địa phương dễ xảy ra ngập lụt và lũ quét, UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các xã sẵn sàng các phương án để ứng phó. Tại xã Hòa Liên dó có nhiều dự án đang triển khai nên rất dễ xảy ra ngập lụt. Lãnh đạo xã đã họp với các đơn vị thi công, điều hành dự án sẵn sàng phương tiện, lực lượng khơi thông thoát nước khi có lũ xảy ra. Đối với các điểm có nguy cơ ngập cao, xã hiệp đồng với quân sự địa phương di dời dân đến các nhà cao tầng, nhà kiên cố để tránh lũ; đồng thời sẵn sàng lương thực, thuốc men đảm bảo cho người dân. Ở xã Hòa Bắc thường xảy ra lũ quét dọc sông Cu Đê, chính quyền xã theo dõi tình hình mưa lũ, khi cần thiết sẽ tiến hành di dời nhân dân hai bên sông Cu Đê đến nơi an toàn. Hiện xã cũng đã thông báo tình hình mưa lũ cho người dân biết để chủ động.

Sáng 1-11, dọc sông Cu Đê, nước tràn lên hoa màu, các rẫy mía. Nước sông chảy mạnh, đục ngầu khiến các lồng nuôi cá của ông Sâm (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) có nguy cơ bị chết hoặc thoát ra ngoài; 10 tấn cá điêu hồng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ông Sâm tiến hành chằng chống các lồng bè tránh nước lũ cuốn trôi. Tháng 10 năm ngoái, lũ cũng đã khiến ông thiệt hại 16 tấn cá điêu hồng nuôi lồng trên sông Cu Đê.

Sáng 1-11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra an toàn các hồ đập. Sở đang chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tiến hành theo dõi chặt chẽ mực nước ở các hồ để có biện pháp xử lý khi cần thiết…

Nội thành chưa xảy ra ngập cục bộ

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù lượng mưa đêm 31-10 và rạng sáng 1-11 khá lớn, trên 100mm nhưng vẫn chưa xảy ra tình trạng ngập tại đô thị. Lượng mưa tuy lớn nhưng không liên tục nên nước thoát kịp. Công ty đang triển khai lực lượng, phương tiện để ứng trực, thoát nước khi xảy ra mưa lớn, hạn chế thấp nhất việc ngập cục bộ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.