Chính trị - Xã hội
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 31-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ.
Tờ trình dự án Luật khẳng định việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành luật. Hiện cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.
Trong khi đó, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dự thảo Luật được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phân định tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, tài sản công phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản công phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển...
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi luật hiện hành phải phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.
Về nguyên tắc, tài sản công phục vụ công tác quản lý nhà nước được Nhà nước giao bằng hiện vật, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có tính chất ngân sách không được khai thác để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Trường hợp sử dụng tài sản công nhằm mục đích thương mại, phải tuân thủ các quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan...
Tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cho biết, qua thực tế, thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.
Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 luật, pháp lệnh, trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Đồng thời, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể, mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi như: phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hướng dẫn thực hiện tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt.
Một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế như: chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; kinh doanh đường sắt. Một số quy định của luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như: quản lý đất dành cho đường sắt; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc sửa đổi luật lần này góp phần phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác cảnh vệ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Cảnh vệ cho biết, hiện các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đã đặt ra các yêu cầu mới...
Dự án Luật Cảnh vệ được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay; qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đồng ý về sự cần thiết ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo luật nhưng đề nghị rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm hệ thống, tránh chồng chéo và phù hợp với các quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
TTXVN