Chính trị - Xã hội
Vĩnh biệt ông Sáu Hưng!
Khi bước qua tuổi 90, biết thời gian ở lại trên đời còn rất ít, ông Sáu Hưng luôn nhắc con, cháu, người thân cần ghi nhớ những con người của hôm qua ấy. Không được quên, mãi mãi biết ơn! Khi nào ông đi xa thì cho ông gởi lời chào vĩnh biệt. Rồi ông đã vĩnh biệt mọi người vào cuối chiều 9-11-2016.
Tên khai sinh của ông là Trần Văn Nhung, lần đầu làm lý lịch lấy tên là Trần Hữu Dung. Anh em cơ sở thời chống Pháp người gọi anh Năm, người gọi Năm Dung. Sau này, thời chống Mỹ, ông lấy tên Nguyễn Duy Hưng, anh em thì gọi Sáu Hưng, có người gọi Sáu Bạc (vì tóc bạc rất sớm), địch từng treo giá thưởng bắt Sáu Bạc, người cao, da ngăm ngăm, mắt nheo.
Quê ông ở xã Tam Hòa, xưa gọi là Phú Vinh (huyện núi Thành ngày nay). Ông sinh năm Nhâm Tuất - 1922, được 6 tháng tuổi thì cha ông qua đời. Mẹ mới 18 tuổi, phải dựa vào gia đình ông ngoại làm lụng kiếm sống và nuôi con. Mẹ ông là người con thứ tám. Cậu Chín tên là Võ Đăng Sum, được tổ chức cài làm lý trưởng xã Phú Vinh.
Cậu Chín mở trường để dạy đám học trò nhỏ, con nhà nghèo trong xã. Ông Bùi Gìùm là thầy giáo của Sáu Hưng ở ngôi trường của cậu. Sáu Hưng thường đến nhà dì Út chơi. Một hôm, ông gặp người yêu của dì Út là thầy Lê Thuyết, dạy trường tiểu học Hòa Xuân. Từ chỗ hiểu lờ mờ những lời của cậu Chín và ông Bùi Giùm, lớn dần lên, ông mới cảm nhận, hiểu hơn những lời về tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc của thầy Lê Thuyết.
Lần đầu tiên được anh em bạn trong làng rủ đi dự đêm mít-tinh do xã tổ chức tại nổng đất nổi giữa đồng, bà con gọi là nổng Đất Đỏ. Hình ảnh thầy Lê Thuyết đứng trên nổng cát cao diễn thuyết về Việt Minh trong đêm còn đọng mãi trong ông. Lần đầu tiên nghe những từ Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, ông không hiểu nhiều nhưng thấy nó quan trọng và lớn lao.
Thầy Bùi Giùm tham gia cách mạng từ phong trào 1936-1939. Sau năm 1945, thầy Bùi Giùm làm Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Sau một thời gian học võ, vào một đêm tháng 2-1940, Sáu Hưng và 5 thanh niên trong làng được đưa đến miếu Bà Vàng - một cái miếu rất linh trên nổng cát giữa đồng, phía trước nhà. Ông Trương Kiểm (Trương Công Thuận) tuyên bố kết nạp các chàng trai vào tổ chức Thanh niên cứu quốc xã Phú Vinh. Sau này, khi cậu Chín mất chức xã trưởng, bị bắt, ông mới biết cậu từng nuôi giấu ông Trương Kiểm và bà Phạm Thị Đợi (Cơ) trong nhà cậu.
Khi là thanh niên cứu quốc, Sáu Hưng được gia nhập đội tự vệ mật mang tên Vũ Hùng. Sau lần dự mít-tinh ở xã, ông theo bà con trong làng dự mít-tinh trong khu rừng ở núi Quảng Phú. Cuộc mít-tinh có hàng ngàn người dự, đó cũng là lần đầu tiên ông thấy cờ đỏ sao vàng. Sau này, ông biết thầy Lê Thuyết là cán bộ cách mạng.
Cách mạng Tháng tám thành công, thầy Lê Thuyết làm Chủ tịch huyện Tam Kỳ.
Sáu Hưng nhớ ngày 20-8-1945, đội quân Vũ Hùng cùng những người nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của ban hành động cướp chính quyền, tay gậy gộc, tay mã tấu, miệng hô vang: “Ủng hộ Việt Nam độc lập đồng minh hội”, “Việt Nam vạn tuế”, đoàn người chân đất rùng rùng tiến về nhà lý trưởng, nhà hương kiểm, xông vào cướp chính quyền xã. Sau khi cướp chính quyền năm 1945, Sáu Hưng nhận nhiệm vụ Ủy viên thơ ký Ủy ban cách mạng lâm thời xã. Tháng 2-1946, ông được kết nạp vào Đảng. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm Việt Minh xã Hòa Vinh Thạnh (gồm 3 xã cũ Hòa Xuân, Phú Vinh và Đông Thạnh), có hơn 10.000 dân.
Năm 1949, ông học gần xong chương trình bổ túc văn hóa của trường trung học bình dân tại Tam Xuân thì được cấp trên điều ra làm cán bộ tổ chức Thành ủy Đà Nẵng. Tháng 3-1950, khu Nam tổ chức Đại hội Đảng bộ tại thôn 3, xã Điện Ngọc, ông được bầu làm Bí thư. Sau khi ký hiệp định Genève năm 1954, đang ở quê nghỉ phép, thăm nhà, thì ông Hữu, ông Xuyến cán bộ Thành ủy Đà Nẵng vào nhà thăm và đưa cho ông quyết định không đi tập kết, do Bí thư Nguyễn Thành Long ký.
Trở lại khu Nam, ông đến nhà Lê Giáo ở Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc ngày nay), đang làm trong Hội đồng hương chính của chính quyền Diệm vừa thiết lập. Con của Lê Giáo là Lê Văn Xuyến trong kháng chiến một là Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt khu Nam, sau đình chiến về làm công nhân khuân vác ở cảng Đà Nẵng, là cơ sở tin cậy. Để có công ăn việc làm mà sống hợp pháp với bà con, không ai để ý, ông đóng vai thợ nề, tập hợp được một đội, đi bắt mối với chủ thầu nhận xây dựng. Cứ sáng ra, từ Nại Nam ra cầu De Lattre, có xe đón, đưa tới nơi xây dựng. Vừa thi công xây dựng những công trình, ông xây dựng thêm một số cơ sở cách mạng.
Sau thời gian ngắn hình thành được một tổ, rồi hai tổ, mỗi tổ cơ sở có 3 người, mỗi tổ xây dựng một quần chúng cốt cán, từ đó tạo một căn cứ lõm làm nơi đứng chân công tác. Có được tổ chức rồi thì tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh vì dân sinh, dân chủ.
Cuối tháng 3-1955, Sáu Hưng bị bắt giam ở Ty Gia Long - Ty cảnh sát đóng trên đường Gia Long, nay là trụ sở Công an thành phố Đà Nẵng trên đường Lý Tự Trọng.
Tra hỏi gì, ông chỉ khai là dân tản cư ở vùng Việt Minh, hồi cư về làm thợ hồ kiếm sống. Sau một tháng tra hỏi, không moi được tin gì, chúng đưa ông sang nhà lao Con Gà. Nhận ra sơ hở, ông thoát theo đường Cái U (nay là đường Núi Thành) qua bến Đò Xu về Trung Lương nơi có cơ quan Thành ủy đóng từ tháng 7-1954. Bí thư Nguyễn Thành Long giao cho Sáu Hưng phụ trách văn phòng Thành ủy. Công việc chủ yếu lúc đó là tổ chức mạng lưới giao liên để nối liên lạc từ vùng ven vào nội thành. Cuối năm 1957, Sáu Hưng được tổ chức đưa ra miền Bắc. Trên đất Bắc, sau một thời gian chữa bệnh, Sáu Hưng được phân công tác ở khu phố Đồng Xuân - Hà Nội. Nhận nhiệm vụ mới, Sáu Hưng rất vui, làm việc hăng hái, nhưng mỗi khi nghe tin buồn từ miền Nam, lòng ông nôn nao buồn, nhiều đêm thao thức, nhớ vợ, nhớ con.
Giữa tháng 8-1959, Sáu Hưng được tổ chức Thành ủy Hà Nội gọi và trao quyết định về Nam. Sáu Hưng được bố trí theo đoàn Quảng Nam do ông Hồ Nghinh dẫn đầu. Tháng 10-1959, đoàn đặt chân đến đất Quảng Nam. Trong đoàn chỉ có 2 người được phân công về Đà Nẵng là Sáu Hưng và ông Nguyễn Hữu Khoang (bí danh Đà, người Quảng Trị, nhưng sinh ở Đà Nẵng).
Cuối năm 1960, Sáu Hưng và ông Nguyễn Hữu Khoang được giao nhiệm vụ hình thành Ban Cán sự thành phố Đà Nẵng. Thời gian đầu, Sáu Hưng về sinh hoạt Đảng với các cán bộ Hòa Vang, theo đội công tác đi phát động quần chúng. Những buổi chiều ra bìa rừng ngồi chờ trời tối hẳn để xuống núi, nhìn những ánh đèn dưới phố xa, lòng dạ cồn cào, Sáu Hưng nghĩ không biết đến khi nào mới xuống được làng thôn của Đà Nẵng, của khu Nam, để gặp lại những người thân yêu từng sống chết có nhau, ai còn, ai mất, làm gì, sinh sống ra sao. Nhớ những ngày cơ quan Thành ủy còn đóng ở Hòa Đa, ở thôn Lỗ Giáng đã có một chi bộ 9 đảng viên, nhiều gia đình có con theo kháng chiến, ở nhà vẫn đóng góp nuôi các bộ, nhiều gia đình bị giặc đốt nhà nhưng vẫn một lòng trung trinh với cách mạng.
Tháng 1-1963, tại làng Đào, huyện Hiên, Đại hội Đảng bộ Quảng Đà lần thứ V bầu ông Hồ Nghinh làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đại hội chủ trương xây dựng bàn đạp để thâm nhập thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, cắt thôn Trung Lương, Lỗ Giáng thuộc xã Hòa Đa vào xã Hòa Thái, giao cho các Huyện ủy Hòa Vang và Điện Bàn cung cấp cán bộ, cơ sở hợp pháp và địa bàn để Ban Cán sự Đà Nẵng nhanh chóng tiếp cận vào nội thành.
Tỉnh ủy cử 2 Tỉnh ủy viên là Sáu Hưng và Nguyễn Hữu Khoang về phụ trách bàn đạp Đà Nẵng. Những ngày ở lại trong dân, tiếp xúc những cơ sở đầu tiên mới gầy lại, Sáu Hưng thấy vùng sông nước ở phía đông - nam thành phố Đà Nẵng có thể xây nên một bàn đạp để tiếp cận nội ô Đà Nẵng. Riêng ở Trung Lương, có khá đông anh chị em ra làm công nhân khuân vác ở cảng Đà Nẵng. Họ là những người dân từng chân lấm tay bùn, chất phác, cần cù. Ngày lại ngày, sáng sớm đi, chiều muộn về, tay xách, vai mang những gì họ cóp nhặt được, có cả vải vóc, thuốc tây. Và rất quý là có vô số câu chuyện diễn ra hằng ngày ở một thành phố đang xô bồ với những chuyển động không bình thường, trên mọi phương diện được họ nắm bắt.
Sáu Hưng trình bày với ông Hồ Nghinh và ông Hai Chơn (Mai Đăng Chơn, Bí thư Hòa Vang) về phương án xây dựng một bàn đạp ở Hòa Đa. Một nhiệm vụ vừa mới, vừa rất khó là làm thuần khiết địa bàn còn địch ta lẫn lộn, cùng đồng đội tiếp xúc với những người dân lương thiện, những người có nhiều thiện cảm với cách mạng, gầy dựng, thổi lên ngọn lửa niềm tin trong nhân dân...
Những ngày ở Trung Lương, Sáu
Hưng xây dựng cơ sở ở vùng Hóa Sơn - vùng sông nước nhiều hơn đất liền, dân Hóa Sơn là dân vạn chài, đêm ngày bồng bềnh trên sông Cổ Cò chảy ra sông Hàn - đoạn sông từ phía nam cầu De Lattre chạy vào hướng núi Non Nước. Nhớ những đêm lội qua sông, qua cánh đồng lầy, lên bờ có đình làng Hóa Sơn, những căn nhà nhỏ giấu mình trong rừng dương, vài ngôi nhà nhỏ trên nhấp nhô cát, những đồi cát nối với vùng dân cư thưa trên đất cát Mà Đa - Mỹ Thị, nối tiếp những hói lạch, đồng ruộng, lũy tre, bãi cỏ um tùm của Khuê Đông - Hòa Quý, Trung Lương... Sáu Hưng chỉ huy, tổ chức chỉ đạo công tác xây dựng chi bộ, xây dựng các tổ chức quần chúng, chứng kiến những cuộc đấu tranh của người Đà Nẵng, tham gia chỉ huy và có mặt hầu hết các sự kiện lớn diễn ra trên đất Đà Nẵng từ cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, cuộc đấu tranh của thanh niên- sinh viên - học sinh và công nhân trong “9 ngày làm chủ”, “76 ngày”, đến chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân lịch sử 1975.
Cả cuộc đời hiến dâng cho cách mạng, qua mấy thời kỳ, trên đất Quảng Nam và Đà Nẵng, Sáu Hưng luôn nghĩ về và nhớ mỗi khi nhắc đến những ngày gian nan, nhớ thầy, nhớ mẹ, nhớ những gia đình cơ sở đã nuôi giấu che chở cho ông sống sót để hoàn thành nhiệm vụ. Sáu Hưng gọi họ là những người dân anh hùng, những gia đình anh hùng, đã góp phần to lớn làm nên một Đà Nẵng, một Quảng Nam anh hùng.
Nguyễn Duy Hưng - Sáu Hưng, sinh năm Nhâm Tuất - 1922 (lý lịch ghi sinh 1925). Sau ngày 30-4-1975, ông đảm nhận chức vụ Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy Cảng Đà Nẵng… Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. |
HỒ DUY LỆ