Chính trị - Xã hội
Cảnh giác lừa đảo mua bán tiền giả trên mạng
Càng về cuối năm, trên mạng Internet xuất hiện nhiều địa chỉ rao bán tiền giả công khai, ngang nhiên nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, hám lời.
Tình trạng rao bán tiền giả diễn ra công khai trên mạng xã hội. |
Công khai bán tiền giả
Chỉ cần một cú nhấp chuột, ngay lập tức hiển thị rất nhiều địa chỉ mạng xã hội công khai rao bán tiền giả. Không những vậy, các địa chỉ này còn cạnh tranh lẫn nhau khi tạo ra những cái tên đầy tin cậy như “mua bán tiền giả uy tín tạo niềm tin”, “mua bán tiền giả - giao hàng toàn quốc - uy tín 100%”...
Mọi hoạt động trên các địa chỉ này diễn ra rất sôi nổi với những câu hỏi, trả lời và lời rao bán được cập nhật từng giờ. Các đối tượng bán tiền giả không hề ngần ngại việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội; ngay cả khi có người vào bình luận, hỏi cách mua hàng, họ đều trả lời thản nhiên, không hề mảy may sợ hãi vì những điều mình đang làm là vi phạm pháp luật.
Tài khoản facebook có tên “Phương Trần” đăng lời quảng cáo “Mua bán tiền giả uy tín 100%”. Không những thế, chủ tài khoản này còn đăng tải nhiều hình ảnh được quảng cáo là tiền giả, với nhiều mệnh giá khác nhau như: 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. Mức giá rao bán được ghi rõ: 1 cọc tiền 10 triệu đồng tiền giả tất cả mệnh giá ăn 3 triệu đồng tiền thật.
Khách đặt hàng, chuyển tiền và sẽ được giao hàng tận nơi dưới nhiều hình thức. Để tạo niềm tin với khách hàng, các đối tượng chấp nhận thanh toán hai đợt: trước và sau nhận tiền. Khi hai bên đàm phán xong, khách hàng sẽ được yêu cầu mua thẻ cào điện thoại, thẻ game…, thậm chí nhiều kẻ sử dụng cả tài khoản ngân hàng yêu cầu khách chuyển tiền vào.
Còn trên trang “Mua bán tiền giả”, hầu hết các đối tượng đều khẳng định “tôn chỉ kinh doanh” là “uy tín trách nhiệm”. Nhằm trấn an tâm lý của khách hàng, các đối tượng này còn cam kết: “Chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy được”. Những người này tư vấn cho khách hàng có nhu cầu mua tiền giả nên “tiêu xài” ở những vùng quê, nông thôn, vùng sâu, vùng xa… và đừng tiêu ở các siêu thị, trung tâm thương mại…
“Bẫy” người dân hám lợi
Theo phản ánh của một số người dùng mạng xã hội, việc mua bán tiền giả trên facebook là không có thực, đó chỉ là chiêu trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền thật của những người nhẹ dạ cả tin. Thủ đoạn là thực hiện giao dịch bằng cách yêu cầu người mua gửi mã thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản trước, sau đó tiền giả sẽ được gửi đến người mua thông qua người giao hàng hoặc xe khách. Tuy nhiên, khi người mua gửi tiền hoặc thẻ cào xong, các đối tượng này ngay lập tức cắt đứt liên lạc.
Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an thành phố Đà Nẵng, hoạt động rao bán tiền giả trên mạng của các đối tượng chỉ là chiêu trò để “bẫy” dân hám lợi. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, tội phạm tạo một tài khoản facebook ảo, sử dụng sim điện thoại rác để giao dịch, nhờ người quen cho mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch. Mọi thông tin về tài khoản này đều là thông tin giả. Sau đó, các đối tượng tung ra mức chênh lệch hấp dẫn và cách thức giao dịch tiền giả nhanh gọn để lừa đảo những người hám lợi.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, việc trao đổi tiền giả lấy tiền thật là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh tiền tệ quốc gia, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, xã hội và có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Đà Nẵng cho hay, tiền giả trôi nổi trên thị trường không phải là không có vì ngành ngân hàng trong thời gian qua đã thu hồi không ít tiền giả với các mệnh giá khác nhau được người dân giao dịch tại ngân hàng.
Ông Võ Minh cũng cho biết, để tránh tình trạng người dân lưu thông tiền giả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành các tài liệu hướng dẫn dấu hiệu phân biệt giữa tiền giả và tiền thật, đồng thời dán ở các nơi giao dịch của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng gửi công văn đến các cơ quan công an, biên phòng, hải quan để phối hợp phát hiện các hành vi vi phạm như tàng trữ, lưu thông, mua bán tiền giả nhằm kịp thời xử lý. “Để bảo đảm an ninh tiền tệ và trật tự xã hội, người dân không được phép tham gia mua bán, tàng trữ, lưu thông tiền giả; đồng thời khi phát hiện tiền giả, cần báo ngay với cơ quan chức năng để thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Minh khuyến cáo.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NHƯ