Do có mưa vừa đến mưa to liên tiếp trong hai ngày qua, kết hợp với nước xả lũ của hồ thủy điện đến sáng 16-12, hàng trăm ngôi nhà dân ở các huyện Tuy An và Đồng Xuân (phía Bắc tỉnh Phú Yên) bị ngập nước.
Tuyến đường ĐT 641 bị ngập sâu trong nước, các hộ dân chuẩn bị sõng để lánh nạn. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN) |
Tuyến đường ĐT 641, đoạn từ thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) đi thị trấn La Hai (huyện miền núi Đồng Xuân) ngập sâu trong nước.
Tại khu vực thôn Định Trung 2, Định Trung 3 và thôn Phong Niên thuộc xã An Định, xã An Nghiệp (huyện Tuy An) nhiều ngôi nhà bị ngập nước gần nửa vách.
Ông Bùi Văn Long, ở thôn Định Trung 2, xã An Định cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi đưa tivi, tủ lạnh chất lên bộ phản gỗ trong nhà, nhưng sau đó nước lớn nhanh phải đưa lên gác lửng vậy mà thóc, quần áo trong nhà đều ướt.”
Theo ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân, hầu như 11 xã thị trấn của huyện đều bị cô lập. Hiện các địa phương đang di dời những hộ dân sống ở vùng trũng thấp lên cao an toàn.
Hai hồ chứa nước nằm trên địa bàn các huyện trên là Đồng Tròn và Phú Xuân đã đạt mức thiết kế nên đang vận hành xả lũ với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về hồ (từ 300-600 m3/giây). Nước trên sông Kỳ Lộ chảy qua địa bàn hai huyện này tiếp tục dâng cao nên nguy cơ ngập lụt còn diễn biến phức tạp.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến 10 giờ ngày 16/12, mực nước trên sông Kỳ Lộ dưới báo động cấp 3 là 0,11m. Dự kiến trong 12 giờ tới, nước trên sông tiếp tục dâng và đạt mức báo động 3 là 9,50m.
Lực lượng công an, bộ đội dùng ca nô máy cứu hộ người dân. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN) |
Trong khi đó, hiện mực nước trên sông Vệ và sông Thoa, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đang trên mức báo động 3 là 1,5m. Do lũ lên nhanh, người dân không kịp trở tay nên toàn địa bàn huyện có khoảng 6.000 nhà bị ngập; 7/13 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn; hầu hết các tuyến đường bị chia cắt...
Trước tình hình trên, huyện Mộ Đức đang huy động toàn lực để ứng phó với mưa lũ. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộ Đức Vũ Nhân, cho biết huyện đã huy động hai canô, ba ghe máy, xe trọng tải lớn cùng các phương tiện khác để ứng cứu các vùng ngập sâu, khắc phục sự cố về giao thông.
Ở tất cả 13 xã, thị trấn trong huyện đều bố trí ghe thuyền, ghe nan và khoảng 50 thanh niên xung kích, dân quân tự vệ túc trực tham gia công tác cứu hộ.
Hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị chia cắt, chính quyền phải cắt cử lực lượng chốt chặn ngăn không cho người và phương tiện qua lại tại đoạn ngập sâu nguy hiểm. Trong đó, Đức Chánh là một trong những xã bị ngập nặng. Lực lượng công an và bộ đội đã dùng canô để xâm nhập vào vùng bị cô lập, ưu tiên sơ tán người già và trẻ em đến vùng cao tránh trú.
Tại một số nơi, nước lũ còn chảy tràn lên Quốc lộ 1A đe dọa người đi đường. Tính đến 11 giờ 30 ngày 16/12, huyện Mộ Đức đã tiến hành di dời khoảng 1.500 hộ dân với 5.000 khẩu đến nơi an toàn.
Trung tá Trần Thanh Phúc, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộ Đức cho biết công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do nước chảy xiết. Nhưng với tinh thần quyết tâm, các các bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Hiện nay, tại địa bàn huyện Nghĩa Hành, nước đã dâng lên cao gây ngập lụt nhiều tuyến đường giao thông. Không thể tiếp cận vào trung tâm huyện bằng xe máy, chúng tôi quyết định lội bộ qua khu vực ngập lụt dài khoảng 500m. Trên trục đường chính vào trung tâm huyện, có những đoạn nước ngập ngang bụng và tràn vào các nhà ven đường.
Ông Đàm Bàng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành, cho biết đợt mưa lần này gây ra lũ lớn trên địa bàn huyện, khác với các trận mưa lần trước, nước đổ về huyện ngày càng nhiều và rút rất chậm. Hệ thống sông Vệ, sông Phước Giang nước đã lên tới đỉnh, giao thông bị chia cắt. Tất cả các xã và thị trấn gần như bị cô lập. Nhiều địa phương như xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây nước ngập đường giao thông chính hơn 1m.
Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 48 thôn bị chia cắt, trong đó có 8.845 nhà bị ngập lụt. Một số nhà của xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện và một số xã vùng trũng như Hành Thuận, Hành Phước đã bị nước vào sâu hơn 2m.
Ngay từ trưa 15/12, trong đêm 16/12 và sáng sớm nay, hàng nghìn người dân huyện Nghĩa Hành chạy lũ. Nhiều hộ dân chưa kịp dọn xong cơn lũ trước thì cơn lũ mới lại đổ về khiến hàng nghìn hộ dân điêu đứng.
Huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương di dời được 2.986 hộ với gần 10.120 khẩu lên khu vực an toàn. Các xã thực hiện phương châm bốn tại chỗ, dừng mọi công việc hành chính để đối phó với mưa lũ. Đối với các thôn trọng điểm, có nguy cơ ngập lụt cần phải lên phương án di dời và tiếp cận với người dân để đưa về nơi an toàn; không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hành Dũng cho biết ngay sau khi nghe thông tin về đợt mưa lũ mới, “lực lượng sẵn sàng” của xã đã xuống các hộ dân để giúp “chạy lũ.” Đến thời điểm hiện nay, nước đã ngập sâu các tuyến đường giao thông của xã. Do chủ động di dời và khá quen với việc chống lũ nên thiệt hại về tài sản trên địa bàn rất ít. Tuy nhiên, lượng mưa đổ về địa phương ngày càng lớn nên việc các hộ dân bị chia cắt kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Người dân phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang thu dọn vật dụng của ngôi nhà bị lũ cuốn sập. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN) |
Cũng từ đêm 15 đến trưa 16/12, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to, lượng mưa vùng ven biển phổ biến từ 70-130mm, riêng thành phố Nha Trang 180mm, đã gây ra nhiều thiệt hại, các trường học phải cho học sinh nghỉ học.
Theo ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, từ chiều 16/12, tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông đều cho học sinh nghỉ học, với tổng số học sinh trên 250.000 em.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, tại huyện Vạn Ninh, đèo Cổ Mã bị sạt lở khoảng 1.000m3 đất đá, khiến tuyến đường qua đèo này bị ùn tắc. Lực lượng chức năng đã cho mở hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã, vừa được xây dựng trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Vạn Thọ, cho ôtô lưu thông tạm thời, để giảm tải cho tuyến đường qua đèo này, khi xảy sự cố sạt lở đất đá.
Cũng tại huyện này, đã có một ngôi nhà ở xã Vạn Khánh bị sập, hơn 700ha lúa bị ngập úng. Ở thành phố Nha Trang, các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành, đường 2/4… bị ngập sâu từ 0,4 - 0,6m; một số nơi thấp trũng bị ngập sâu 1m, nên các phương tiện không lưu thông được.
Ở các huyện Cam Lâm, Diên Khánh... bị ngập trên diện rộng, có nơi bị chia cắt. Thành phố Cam Ranh đang di dời hàng chục hộ dân sinh sống ở triền núi, vùng thấp trũng ở các xã Cam Bình và Cam Thịnh Đông.
Dự báo, trong những giờ tới, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa 200-300mm. Trong khi đó, các hồ chứa đã đầy nước nên đang phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập. Vì vậy, lũ trên sông Cái có thể đạt báo động 2, lũ trên sông Dinh có thể lên trên báo động 3 là 0,5m.
Nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã có mưa lớn, mực nước trên sông Ayun - đoạn chảy qua địa bàn huyện dâng cao. Vào đêm 15/12, cây cầu tràn A Yun trên tỉnh lộ 666 bị nước lũ nhấn chìm khiến hàng ngàn hộ dân của năm xã của huyện Mang Yang ở phía Đông sông Ayun, gồm Lơ Pang, Kon Thụp, Đê A, Kon Chiêng và Đắk Trôi bị cô lập hoàn toàn.
Tuyến đường "độc đạo" của các xã này về trung tâm huyện Mang Yang phải đi qua cây cầu A Yun (đoạn đường này dài khoảng 15-30km). Hiện, cầu bị nhấn chìm khiến người dân muốn về trung tâm huyện phải đi vòng về huyện Ia Pa, theo tỉnh lộ 662 qua huyện Kông Chro, đến quốc lộ 19 rồi mới quay ngược về trung tâm huyện Mang Yang, với chiều dài quãng đường gần 100km.
Để đảm bảo an toàn cho người dân ở các xã phía Đông sông Ayun, huyện Mang Yang đã chỉ đạo các xã cử lực lượng dân quân canh phòng và căng dây cảnh báo người dân không đi lại qua cầu khi nước lũ còn dâng cao; vận động người dân khắc phục khó khăn, nếu có nhu cầu đi lại cấp thiết nên đi đường vòng để đảm bảo an toàn.
Theo Vietnam+