Chính trị - Xã hội

Cử tri kiến nghị những vấn đề cần ưu tiên giải quyết

13:47, 02/12/2016 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

Sửa chữa vỉa hè đường phố

Trước thực trạng các vỉa hè một số tuyến đường như: đường Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Nghị, Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Hòa Cầm đến cầu vượt ngã ba Huế) hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị, cử tri các phường Thạc Gián, Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đề nghị thành phố quan tâm đầu tư sửa chữa để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Theo UBND thành phố, các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Hòa Cầm đến cầu vượt ngã ba Huế) đã có chủ trương cải tạo, chỉnh trang vỉa hè để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (chủ đầu tư công trình) đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Dự kiến khởi công trong tháng 11-2016.

Về các hư hỏng vỉa hè đường Hà Huy Tập và Phạm Văn Nghị, UBND thành phố cho biết, qua kiểm tra, vỉa hè hiện trạng các tuyến đường này chỉ bị hư hỏng cục bộ một số vị trí. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải triển khai sửa chữa bảo đảm giao thông từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, hoàn thành trong tháng 11-2016.

Quy hoạch nhà sinh hoạt cộng đồng ở quận Ngũ Hành Sơn

Cử tri phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn phản ánh, thực hiện Thông báo số 173/TB-VP ngày 16-7-1015 của Văn phòng UBND thành phố về việc UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát các khu dân cư bức xúc về việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng chưa có mặt bằng để đề xuất thành phố, thời gian qua, phường Hòa Hải và các địa phương trên địa bàn quận đã chủ động rà soát và đã có danh mục những khu vực cần đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng gửi UBND quận. Tuy nhiên hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố vẫn chưa đi thực tế cùng với các phường để rà soát thống nhất trình UBND thành phố.

Trả lời ý kiến của cử tri, UBND thành phố cho biết, Viện Quy hoạch xây dựng đã hoàn thiện phương án quy hoạch mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (trên cơ sở số liệu do địa phương cung cấp) và hiện đang lấy ý kiến quận Ngũ Hành Sơn trước khi gửi hồ sơ cho Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố. Sau khi UBND thành phố thông qua phương án quy hoạch mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng nêu trên, UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ có kế hoạch đầu tư xây dựng.

Tăng cường kiểm tra an toàn  vệ sinh thực phẩm

Cử tri phường Vĩnh Trung, phường Chính Gián (quận Thanh Khê) và cử tri quận Liên Chiểu đề nghị thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); đồng thời cấp cho các địa phương thiết bị, dụng cụ thử test nhanh đối với hàng thực phẩm nghi không bảo đảm ATVSTP.
UBND thành phố cho biết, về các biện pháp kiểm tra ATVSTP, ngày 5-5-2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2734/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác về ATTP thành phố Đà Nẵng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong lĩnh vực về ATTP.

Ngàv 27-7-2016, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố ban hành Kế hoạch số 62/KH-BCĐ về Công tác bảo đảm ATTP 6 tháng cuối năm 2016. Trong đó, giao chỉ tiêu thực hiện cho các ngành, các cấp như:

+ Các ngành Nông nghiệp, Công thương, Y tế và UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở theo phân cấp quản lý đến tháng 12-2016 đạt 80% cơ sở; kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản đến tháng 12-2016 đạt 100% cơ sở.

+ Kiểm tra việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh tại 5 vùng trồng rau tập trung và lấy 7 mẫu/tháng giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học; kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại và ô nhiễm vi sinh vật tại chợ đầu mối Hòa Cường, 50 mẫu/tháng; kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm 10 mẫu/tháng; kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học sản phẩm thủy sản 15 mẫu/tháng.

Kết quả thực hiện của 3 ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và UBND các quận, huyện từ đầu năm 2016 đến nay như sau:

Về thanh, kiểm tra ATTP đối với thực phẩm nông-lâm-thủy sản, từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đã thực hiện 56 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tổ chức kiểm tra thường xuyên việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào thành phố tại hai đầu Trạm Kiểm dịch động vật Kim Liên, Hòa Phước; vệ sinh thú y trong kinh doanh sản phẩm động vật. Tổng số được thanh tra, kiểm tra là 2.835 tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 151 trường hợp vi phạm hành chính (8 tổ chức, 143 cá nhân), xử phạt 256,68 triệu đồng.

Về thanh, kiểm tra ATTP trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thực phẩm, Sở Công thương kiểm tra 25 cơ sở thực phẩm, xử phạt 4 cơ sở vi phạm với số tiền 6 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra ATTP đối với 473 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, xử phạt 473 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,226 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy tập huấn ATTP, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Qua kiểm tra, kiểm soát, chưa phát hiện trường hợp kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Về thanh, kiểm tra ATTP trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ăn uống, Sở Y tế đã triển khai thanh tra, kiểm tra 6.266/7.825 cơ sở (đạt 80,1%). Có 5.807 cơ sở đạt điều kiện bảo đảm ATTP, 459 cơ sở vi phạm (chiếm 7,3%). Xử phạt 98 cơ sở với số tiền phạt hơn 150,78 triệu đồng, cảnh cáo 361 cơ sở.

Đối với việc cấp test nhanh thực phẩm cho các địa phương, trong năm 2016, ngành Y tế trang bị 156 hộp kít test nhanh thực phẩm gồm 9 loại test kiểm tra nhanh hàn the, chất tẩy trắng, phẩm màu công nghiệp, formol, độ ôi khét, Nitrit, A xít Salixylic, dấm ăn, Methanol trong thực phẩm, cấp phát cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và 7 Đội Y tế dự phòng trực thuộc 7 Trung tâm Y tế quận, huyện.

Phối hợp giám sát ô nhiễm môi trường

Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Hòa Vang về việc đề nghị thành phố phối hợp với thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi) do lò tôm Đồng Tổ bốc ra, UBND thành phố cho biết Nhà máy chế biến bột cá của Công ty cổ phần Đồng Tổ hoạt động sản xuất tại xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đề nghị kiểm tra, xử lý cơ sở chế biến bột cá này. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra, xác định các vi phạm của nhà máy nói trên, trình UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 246 triệu đồng; đồng thời yêu cầu đơn vị tạm ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường theo quy định và chỉ được phép hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Hiện nay, Công ty cổ phần Đồng Tổ vẫn đang hoạt động sản xuất và đôi lúc có phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với nhà máy chế biến bột cá. Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang đang phối hợp với UBND xã Hòa Phước theo dõi việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của nhà máy này để kịp thời xử lý, bảo đảm môi trường sống của người dân.

Hà An tổng hợp

(Còn tiếp)
 

.