Chính trị - Xã hội

Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

08:34, 06/12/2016 (GMT+7)

Việc xây dụng mô hình tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn đã động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, đời sống nhân dân được nâng cao, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

Kết nối thông tin liên lạc với ngư dân hoạt động trên biển.
Kết nối thông tin liên lạc với ngư dân hoạt động trên biển.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới trên biển với chiều dài chính diện 34km, gồm 17 phường biên giới biển thuộc 5 quận, 1 huyện đảo Hoàng Sa. Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng có những bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng -  an ninh và đối ngoại. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang xây dựng ngày một khang trang hơn; trong đó nhiều hộ ngư dân có đời sống kinh tế phát triển nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thành phố, mạnh dạn đầu tư nâng cấp các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 2.000 phương tiện lớn, nhỏ; trong đó có hơn 757 phương tiện có công suất từ 45 CV trở lên, thường xuyên đánh bắt dài ngày trên biển, thu hút số lượng lớn lao động trong và ngoài địa bàn đến sinh sống, làm ăn. Đà Nẵng cũng là nơi thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân thuộc các tỉnh lân cận. Vì vậy, số lượng phương tiện đến neo đậu tại các âu thuyền, cảng cá thuộc khu vực biên giới biển ngày càng nhiều.  

Trên biển, hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, đánh bắt hải sản, tranh chấp ngư trường ngày càng nhiều, làm ngư dân lo lắng. Tình hình trộm cắp ngư lưới cụ, bươn, vướng lưới, tông va, tai nạn rủi ro trên biển khá phức tạp.

Từ đặc điểm tình hình nói trên và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển trong giai đoạn hiện nay, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch “Xây dựng mô hình tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn, làng nghề cá văn hóa”; đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng quán triệt cán bộ, chiến sĩ tích cực bám nắm tình hình địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa việc phát động xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển” của Tổ quốc.

Kết quả, trong những năm qua, BĐBP thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các địa phương triển khai xây dựng 92 tổ tàu thuyền đoàn kết an toàn với 675 phương tiện tham gia, trong đó có 46 tổ/199 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên khai thác xa bờ; tham mưu cho UBND thành phố trong năm 2013 và 2014 tiếp tục triển khai Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 250 tàu cá/1.308 chuyến biển với kinh phí trên 80 tỷ đồng; hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Quyết định số 43/2014/QĐ- UBND ngày 1-11-2014 của UBND thành phố cho 15 tàu cá đóng mới với tổng kinh phí 7,4 tỷ đồng.

Các tổ tàu thuyền đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi hành nghề trên biển cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn; kết hợp giữa khai thác hải sản với tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển. Đặc biệt, trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấp hành chỉ đạo của Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã huy động hai đợt gồm 25 phương tiện, 250 người tham gia đấu tranh trên biển, với tinh thần kiên quyết, khôn khéo, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh.

Thực hiện chương trình “Vì những con tàu xa khơi”, Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu cho UBND thành phố hỗ trợ trang thiết bị cho 6 phương tiện đánh bắt xa bờ với số tiền 120 triệu đồng. Năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT và các ngành chức năng tham mưu cho UBND thành phố và các ngành hoàn tất hồ sơ xét duyệt cho 3 tổ chức, 16 chủ phương tiện vay vốn đóng mới 20 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ để vươn khơi bám biển.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn, làng nghề cá văn hóa”, BĐBP thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, Sở NN&PTNT triển khai xây dựng các mô hình tự quản như “Khu dân cư văn hóa biển” Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu); Tân Trung, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê); Tân An, phường Mân Thái (quận Sơn Trà); Tân Trà - phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).

Những mô hình trên đã thực hiện tốt chủ trương của thành phố về văn hóa, văn minh đô thị, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa nhân dân vùng biển, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hiệu quả hoạt động của các khu dân cư văn hóa biển đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của thành phố về Năm văn hóa, văn minh đô thị.

Ngoài triển khai xây dựng các khu dân cư văn hóa biển, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã xây dựng Âu thuyền - Cảng cá an toàn, văn hóa tại Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang, đưa các hoạt động ở âu thuyền, cảng cá vào nền nếp. 14 tổ tự quản đã được xây dựng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực Âu thuyền - Cảng cá, ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự trên các bến bãi, âu thuyền; các phương tiện neo đậu đúng nơi quy định lúc bình thường cũng như khi có bão được sắp xếp, quản lý chặt chẽ; tình trạng tranh mua, tranh bán không còn xảy ra.

Bài và ảnh: TRẦN DOÃN TOẢN

.