Chiều 6-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố, các tổ đại biểu thảo luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Kinh tế - ngân sách, đô thị, văn hóa - xã hội, pháp chế và các báo cáo, tờ trình, đề án của UBND thành phố trình tại kỳ họp.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp
Đại biểu thảo luận tại các tổ. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Lê Văn Quang đánh giá thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp (DN) khá hiệu quả. Tuy nhiên, cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hoàn thiện hơn nữa nhằm thu hút những DN lớn trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố. ĐB Nguyễn Đức Trị đề nghị thành phố mở rộng, phát triển các khu công nghiệp (KCN) để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, cần xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư một cách hiệu quả.
Chủ tịch HĐND quận Cẩm Lệ Trần Anh Đức cho rằng việc minh bạch cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vẫn còn khá hạn chế. Thành phố cần có lộ trình, chiến lược cụ thể để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, góp phần xây dựng chính quyền văn minh, hiện đại; hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, hiện nay các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường, khả năng cạnh tranh kém; do đó thành phố cần có chính sách hỗ trợ DN về quy trình quản lý chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đồng thời công khai thông tin các dự án để kêu gọi đầu tư…
Về chính sách hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, nhiều ý kiến đề xuất thành phố nên bố trí một khu tập trung cho loại DN này vào KCN. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, UBND thành phố có chủ trương bố trí mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ và siêu nhỏ vào KCN Hòa Cầm; đồng thời lưu ý Ban Quản lý các KCN và chế xuất không bố trí đất theo lô cho DN vì sẽ khó quản lý về kiến trúc xây dựng nhà xưởng cũng như môi trường.
Thành phố khuyến khích DN phát triển hạ tầng KCN đầu tư xây nhà xưởng cho DN nhỏ và siêu nhỏ thuê theo nhu cầu về diện tích mặt bằng. Như vậy, vừa thống nhất về kiến trúc nhà xưởng, vừa quản lý tốt việc xử lý chất thải trong cùng một hệ thống.
Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc
Về chống ùn tắc giao thông, ĐB Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố nêu thực trạng thành phố đang có những điểm ùn tắc cục bộ, trong khi đó tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân đang tăng 30% mỗi năm, dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông tăng cao trong những năm đến.
ĐB Hải đề nghị thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho phát triển giao thông công cộng; hình thành các tuyến xe đảm bảo sự thuận tiện và nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, cần tuyên truyền mạnh hơn để người dân có thói quen sử dụng xe buýt khi đi lại.
Thành phố cũng cần nghiên cứu xử lý vấn đề ùn tắc tuyến đường Nguyễn Văn Linh vào Sân bay Đà Nẵng khi dự án nâng cấp khu nhà ga quốc tế của sân bay hoàn thành. ĐB cũng đề nghị khi di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, cần nghiên cứu kỹ về vị trí để ga đường sắt tách hẳn khỏi khu dân cư khi thành phố tiếp tục quy hoạch khu dân cư về phía Tây. Về vấn đề áp dụng thu phí đậu, đỗ ô-tô để hạn chế ùn tắc giao thong, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho hay đang trình xin ý kiến Chính phủ, khi được chấp thuận mới thực hiện được.
Lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm
ĐB Lê Minh Trung bày tỏ lo ngại về công tác quản lý đối với hơn 3.379 cơ sở kinh doanh đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vừa được thành phố công bố. “Có thể kiểm tra hằng tháng để các cơ sở này giữ đạt chuẩn an toàn được không?”, ĐB Trung nêu ý kiến và cho rằng công tác quản lý ATVSTP ở cấp quận, huyện, phường, xã mới dừng ở cảm quan bằng mắt thường, muốn biết thực phẩm có an toàn không thì phải có phương tiện mới kiểm tra được.
ĐB Nguyễn Thị Thúy Mai cũng đồng tình với ý kiến này và nhấn mạnh các cơ sở chế biến thực phẩm ở khu dân cư càng nhỏ càng khó quản lý. ĐB Thúy Mai lo ngại ngành nông nghiệp của thành phố chỉ đáp ứng 10% nhu cầu về rau củ quả, còn lại đều phải nhập từ nơi khác về nên khó quản lý về ATVSTP; vì vậy, thành phố cần có cơ chế khuyến khích nông dân huyện Hòa Vang chuyển sang sản xuất hàng hóa nông nghiệp.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu công tác bảo đảm ATVSTP phải làm quyết liệt và đồng bộ từ thành phố đến phường, xã. Công tác kiểm tra phải liên tục, thường xuyên, tập trung vào việc phát hiện những chất cấm; nếu phát hiện phải xử phạt nghiêm và rút giấy phép khi tái phạm. “Lãnh đạo UBND thành phố cũng thường xuyên chọn ngẫu nhiên trên danh sách các cơ sở kinh doanh thực phẩm để kiểm tra. Quận, huyện cũng phải thực hiện như vậy. Làm quyết liệt sẽ có hiệu quả răn đe, phòng ngừa”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị.
Ô nhiễm môi trường do không khớp nối quy hoạch
Về vấn đề ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Thành Tiến cho rằng, hiện nay các khu quy hoạch, khu chỉnh trang đô thị chưa được khớp nối đồng bộ do việc nghiên cứu tổng thể chưa cao, dẫn đến không xử lý được tình trạng ứ đọng nước thải. Vì vậy, thành phố cần nghiên cứu mang tính tổng thể hơn để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đối với các khu đô thị cũ, cần kiểm tra lại để đầu tư cho phù hợp và đúng mức. Theo ĐB Tiến, hiện thành phố bố trí một số trạm bơm chưa phù hợp, do đó cần có chuyên đề giám sát kỹ về vấn đề này để tránh gây lãng phí. Đối với các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, mặc dù trong thời gian qua thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn còn kéo dài, do đó cần có giải pháp quyết liệt hơn. Đồng thời, thành phố cần đánh giá, thẩm tra chặt chẽ các dự án để đề xuất thu hồi đất thích hợp, chỉ thu hồi đất đối với các dự án bức xúc, chậm triển khai.
Ngoài ra, danh mục phân bổ dự án của thành phố còn dàn trải, do đó cần xem lại cách điều vốn sao cho phù hợp, chấp nhận một vài dự án nằm chờ để đẩy nhanh những dự án cần ưu tiên. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Huỳnh Bá Cử cho rằng, trong thời gian qua, các dự án trên địa bàn thành phố triển khai còn chậm.
Bên cạnh nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, thành phố cần xem xét các nguyên nhân khác để có giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng. ĐB Ngô Thị Kim Yến và Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cùng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu kỹ việc chọn vị trí xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) nhằm tránh gây tác động xấu đến môi trường sau này.
Khi cần mới tìm đất quy hoạch trường học
Theo Trưởng ban Đô thị Tô Văn Hùng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp còn bất cập, thiếu bài bản, không thực hiện ngay từ khi quy hoạch khu dân cư; khi thấy nhu cầu phát sinh trường lớp mới tìm xem chỗ đó còn lô đất nào không để lấy làm trường. ĐB Hùng nêu bất cập trong thực hiện chủ trương cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày là các trường tiểu học cứ có chỗ nào đất trống là xây thêm phòng, làm cho không gian vui chơi của các em hẹp lại.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cho hay sở phối hợp với các cơ quan liên quan và các quận, huyện lấy ý kiến để xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp. Sắp đến, sở sẽ mời Ban Đô thị HĐND thành phố cùng tham gia hoàn thiện quy hoạch. Sở cũng đã có kế hoạch vận động các trường trung cấp nghề, THPT tư thục trên địa bàn nếu không tuyển được học sinh trung cấp hoặc học sinh THPT, có thể chuyển sang thành trường nhiều cấp học để tuyển sinh THPT, THCS đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa giảm áp lực cho thành phố đầu tư cơ sở vật chất trường công lập.
Đề cập vấn đề xây dựng nhà họp tổ dân phố, nhiều đại biểu nêu sáng kiến tận dụng tất cả các cơ sở như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính… để tránh lãng phí trong đầu tư. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu quan điểm của thành phố là tận dụng tất cả các cơ sở để bố trí chỗ họp tổ dân phố, cần thiết ngân sách địa phương phải bỏ ra thuê các trường học tư thục để bố trí cho dân họp. Thành phố chỉ xem xét đầu tư ở những nơi thực sự khó khăn về nhà họp tổ dân phố. |
S.TRUNG-Đ.LƯƠNG- Q.KHẢI