Ngày 15-12, đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung hoan nghênh những cách làm hay của Đà Nẵng. Ảnh: Phan Chung |
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Hưng trình bày những chính sách vượt trội thành phố thực hiện trong thời gian qua. Đối với lĩnh vực việc làm, dạy nghề, thành phố quyết định hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Việc hỗ trợ học nghề cho nhóm đối tượng do Trung ương quy định, chính quyền thành phố cũng quyết định hỗ trợ mở rộng thêm 5 nhóm đối tượng (đối tượng di dời, giải tỏa; người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương; thanh-thiếu niên hư; học sinh bỏ học). Bên cạnh đó, nhiều chính sách đối với người có công cách mạng được triển khai.
Ngoài chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi dành cho người có công, hàng loạt cơ quan, đơn vị trên địa bàn hưởng ứng phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện 242 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn thành phố đều được phụng dưỡng từ 1 triệu đồng/tháng/người trở lên.
“Đến nay có hơn 24.200 hộ chính sách được cải thiện nhà ở với tổng kinh phí thực hiện trên 473 tỷ đồng. Thành phố sử dụng ngân sách để hỗ trợ một phần tiền sử dụng đất, trợ cấp hằng tháng cho đối tượng chính sách khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, thân nhân liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng”, bà Thanh Hưng cho biết.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Hùng Hiệp cho biết, địa phương đang có những cách làm mới trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cụ thể là cai nghiện ma túy. “Trách nhiệm này chia đều cho gia đình, xã hội và cơ quan Nhà nước. Theo đó, đối tượng vi phạm lần đầu sẽ bị xử phạt hành chính và giao gia đình quản lý. Vi phạm lần hai thì tổ chức quản lý tại cộng đồng từ 3 đến 6 tháng. Nếu vẫn tái phạm, chúng tôi lập hồ sơ và đưa đi cai nghiện bắt buộc”, ông Hiệp nói. Bên cạnh đó, ngoài áp dụng 1-2 năm cai nghiện bắt buộc, chính quyền thành phố còn áp dụng chương trình quản lý sau cai với thời gian 1-2 năm để giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng, tránh xa những cám dỗ liên quan đến chất kích thích.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại buổi làm việc. Ảnh: PHAN CHUNG |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố tập trung chăm lo vấn đề an sinh xã hội và chăm sóc người có công. “Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, đầu tư việc đào tạo nghề, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, cần lao động có tay nghề ngang tầm khu vực”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiến nghị; đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, áp dụng những hình thức cai nghiện cho đối tượng ma túy; tuyệt đối không vì một vài cá nhân nghiện ngập, ngáo đá mà ảnh hưởng đến tính mạng của người dân và sự bình an của thành phố.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong thời gian qua; đồng thời hoan nghênh, khuyến khích những chính sách tiên phong mà địa phương đã và đang áp dụng trong lĩnh vực lao động, chăm sóc người có công và xã hội. Về nhiệm vụ thời gian đến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược, đặc biệt coi trọng đào tạo nghề cho người lao động, sớm mạnh dạn và chủ động hơn trong phân luồng học nghề; khẩn trương rà soát, thẩm định và giải quyết dứt điểm các hồ sơ công nhận liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng.
“Cách làm hiện nay của Đà Nẵng sáng tạo nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. Cần sớm tổng kết 3 mô hình cai nghiện đang áp dụng để rút ra những mặt được và chưa được. Bởi hiện nay, việc cai nghiện đang bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là sự quá tải ở các trung tâm cai nghiện tập trung, nếu quản lý không tốt sẽ dẫn đến những hiệu ứng xấu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
PHAN CHUNG
● Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm thành phố. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên. Tiếp đó, đoàn đến thăm gia đình thương binh 1/4, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải Lý (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) và gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Hòe, thương binh 4/4, có chồng và 1 con là liệt sĩ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Tại các nơi đến thăm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần thăm hỏi, chúc các gia đình sức khỏe, hạnh phúc và mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng thành phố.
KIM NGÂN
● Ngày 15-12, tại Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn công tác quản lý kinh phí thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công cách mạng, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH các tỉnh, thành trên cả nước. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2015, tổng dự toán Bộ LĐ-TB&XH giao các Sở LĐ-TB&XH là 31.956 tỷ đồng, kinh phí quyết toán trong năm là 31.444 tỷ đồng, đạt 98,36% dự toán giao trong năm.
Tuy nhiên, thực tế công tác chấp hành dự toán thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, một số địa phương vẫn có số dư kinh phí lớn hoặc phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện các công trình ghi công liệt sĩ chưa theo đúng quy định, còn hiện tượng xây dựng dự toán chưa sát với thực tế.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo các bộ phận chuyên môn triển khai việc rà soát, bảo đảm kinh phí thực hiện chi trả các loại chính sách cho đối tượng, điều chỉnh dự toán phải bảo đảm sát nhu cầu và phản ánh đúng tình hình thực tế tại địa phương, không để dư kinh phí như thời gian vừa qua.
MINH PHƯƠNG