Chính trị - Xã hội

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ về sông Vu Gia

21:49, 03/12/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Từ 0 giờ đến 12 giờ trưa 3-12, hồ thủy điện Đăk Mi 4 tiến hành xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng trung bình lên đến 810m3/s. Đến 17 giờ 15 phút, hồ thủy điện này vẫn đang xả lũ với lưu lượng hơn 500m3/s, làm mực nước sông Vu Gia dâng lên nhanh, từ dưới BĐ1 lên trên BĐ2 và mực nước sông Cẩm Lệ ngang mức BĐ1.

:    Do hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ về sông Vu Gia làm làm nước sông Hàn dâng cao lên mức BĐ1 từ chiều tối 3-12.
: Do hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ về sông Vu Gia làm làm nước sông Hàn dâng cao lên mức BĐ1 từ chiều tối 3-12.

Từ đêm 2-12, thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu xả lũ với lưu lượng 500m3/s về sông Vu Gia, lưu lượng xả lũ tăng dần, có lúc lên đến 1.500m3/s. Mưa to cùng với việc thủy điện xả lũ làm nhiều vùng trũng thấp trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, như xã Đại Thắng, Đại Thạnh..., đã ngập sâu trong nước. Nhiều vùng rau, màu vụ đông ở các bãi bồi ven sông Vu Gia trên địa bàn huyện đã bị hư hại, ngập trong nước lũ.
Lúc 4 giờ sáng, mực nước sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) ở mức 4,66m, dưới BĐ1 là 1,84m, nhưng đến 16 giờ chiều, đã lên đến 7,38m, trên BĐ2 là 0,02m (tăng 2,72m), mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 0,98m, dưới BĐ1 là 0,02m.

Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 cho biết: "Đến 17 giờ 15 phút (ngày 3-12), hồ thủy điện vẫn đang vừa vận hành xả lũ qua tràn về sông Vu Gia với lưu lượng trên 500m3/s, vừa vận hành phát điện về sông Thu Bồn để bảo đảm hồ dưới mực nước dâng bình thường và sẵn sàng đón lũ".

Đáng nói là qua quan trắc, từ trưa 3-12, đã xuất hiện lũ nhỏ ở thượng lưu sông Vu Gia với lưu lượng lũ về hồ thủy điện Sông Bung 4 có lúc lên đến 540m3/s và lũ về hồ thủy điện A Vương có lúc lên đến 270m3/s. Hiện thủy điện A Vương đang vận hành xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng lớn để duy trì mực nước trong hồ dưới mực nước dâng bình thường. Còn hồ thủy điện Sông Bung 4 đang tiến hành tích lũ.

Hiện nay, hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang tiến hành xả lũ qua tràn kết hợp xả nước phát điện về sông Thu Bồn với lưu lượng lớn theo lưu lượng lũ về hồ, có lúc tổng lưu lượng xả lũ lên đến hơn 1.800m3/s (lúc 7 giờ sáng) nhằm duy trì mực nước trong hồ dưới mực nước dâng bình thường để sẵn sàng đón lũ.

Theo bản tin cảnh báo lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi phát lúc 17 giờ 30 (ngày 3-12), Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, đêm nay (3-12) đến sáng mai (04/12/2016), hạ lưu các sông Quảng Nam đạt đỉnh và xuống chậm.

Mực nước sông sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,35m, trên BĐ2 là 0,35m; tại sông Cẩm Lệ là 1,25m, trên BĐ1 là 0,25m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,00m, trên BĐ2 là 0,5m, tại Câu Lâu lên mức 3,30m, trên BĐ2 là 0,30m; sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ lên mức 2,70m, ở mức BĐ3. Vùng hạ lưu các sông còn ngập sâu diện rộng. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, vào trưa 3-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục chỉ đạo khẩn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định về việc ứng phó với mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung.

Theo đó, đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; bằng mọi biện pháp thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 40/CĐ-TW ngày 26-11 của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Ủy ban QGTKCN, triển  khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra trong những ngày vừa qua ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tầu thuyền tại các khu vực cửa sông, đặc biệt là các sông đang có lũ, tránh để đứt neo, trôi dạt gây thiệt hại về người và tài sản như đã xảy ra trong đợt mưa lũ tháng 10 và 11 vừa qua.

Tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; huy động lực lượng triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất và từng bước ổn định cuộc sống khi lũ rút....


HOÀNG HIỆP

.