ĐNĐT - Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh tại buổi kiểm tra tình hình phòng, chống lũ ở huyện Hòa Vang vào chiều 16-12. Cùng đi có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí kiểm tra tình hình lũ tại huyện Hòa Vang. Ảnh chụp chiều 16-12 |
Sau khi cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang xem xét thực trạng lũ và kiểm tra công tác phòng, chống tại các xã Hòa Tiến, Hòa Khương và hồ chứa nước Đồng nghệ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các cấp ở huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai hiệu quả phương án phòng, chống lũ; tuyệt đối không được chủ quan lơ là; không để người dân tùy tiện di chuyển qua vùng lũ; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Huyện Hòa Vang khẩn trương khảo sát thống kê tình hình thiệt hại do lũ, nhất là lĩnh vực sản xuất, sớm báo cáo thành phố để có phương án hỗ trợ kịp thời. Khi lũ rút, huyện cần triển khai ngay sản xuất đông xuân để không trễ quá lâu về thời vụ.
Trước đó, trưa 16-12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang đi kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại một số địa phương; đồng thời chỉ đạo huyện triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lũ.
Ngày 16-12, lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang diễn biến khá phức tạp. Nước từ thượng nguồn phía Quảng Nam đổ về với lưu lượng lớn gây ngập lụt trên diện rộng.
Số liệu từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện, đến 17 giờ ngày 16-12, trên địa bàn huyện có 2.141 hộ ở 47 thôn thuộc 6/11 xã bị ngập. Các địa phương bị ngập sâu là xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Khương và Hòa Nhơn. Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị chia cắt do lũ.
Ngay từ sáng sớm 16-12, Ban Chỉ huy Quân sự huyện điều động một ca nô và nhiều cán bộ, chiến sĩ túc trực cứu hộ, cứu nạn tại khu vực bị ngập nặng ở xã Hòa Tiến.
Tại các tuyến đường bị ngập, lực lượng dân quân canh trực, căng dây không cho người dân vượt qua vùng lũ. Nhằm hạn chế thiệt hại về vật nuôi, nhiều hộ đã đưa bò, heo lên vùng cao tránh lũ.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết: Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống, lũ được từng thôn, xã triển khai rất chu đáo. Gia đình nào cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số lương thực, thực phẩm, nước uống nên mặc dù lũ ngập trên diện rộng song huyện không tổ chức cứu trợ.
Về thiệt hại do lũ, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy không có thiệt hại về người. Lũ làm 106,4 ha/133,9 lúa đông xuân đã gieo sạ ngập nặng, hư hỏng hoàn toàn. Toàn bộ số lúa giống ngâm ủ chuẩn bị gieo sạ cho 585,9 ha đã hư hỏng; 35,5ha rau tại các vùng chuyên canh bị ngập nặng (trong đó: xã Hòa Phong 6,5 ha; Hòa Tiến 7,3 ha; Hòa Khương 5,5 ha; Hòa Nhơn 3,3 ha…); 159 ha màu chủ yếu là đậu phụng bị hư hại; 14.000 cây hoa ly tại các xã Hòa Liên, Hòa Phước hư hỏng; khoảng 10.000 chậu hoa cúc bị vàng lá do mưa kéo dài…
Gần như toàn bộ các ao, hồ nuôi tôm ở thôn Trường Định (xã Hòa Liên) và 3ha ao nuôi cá nước ngọt ở thôn An Ngãi Tây (xã Hòa Sơn) nước băng bờ, chưa thống kê được thiệt hại.
Hộ ông Trần Văn Xê, ở thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên) bị lũ cuốn trôi 40 con vịt thịt chuẩn bị xuất chuồng. Tổng thiệt hại về vật chất trên địa bàn huyện Hòa Vang trong đợt lũ này ước tính 8,5 tỷ đồng.
Đến 18 giờ cùng ngày, lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang đã rút, một số tuyến giao thông chính như đường ADB5 Hòa Tiến đi Hòa Phong, đường ĐH 9 Hòa Tiến đi Hòa Khương đã lưu thông bình thường.
NGUYỄN CẦU