Chính trị - Xã hội
Tin ở cuộc đời
Những đứa trẻ câm điếc, tật nguyền không còn phải quanh quẩn suốt ngày trong 4 bức tường mà đã có thể làm ra những sản phẩm để phần nào tự nuôi sống bản thân. Đó là những cô bé, cậu bé đang học nghề và làm việc ở Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Hội).
Người khuyết tật học nghề may ở Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng. |
Sống có ích
Từ nhỏ, cô bé Ngô Thị Hiền (ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) đã không thể nghe và nói. Mẹ của Hiền không có việc làm ổn định nên mọi thu nhập đều từ nghề làm thợ nhôm của ba khiến cô gái 21 tuổi Ngô Thị Hiền hiện càng cảm thấy bất lực khi không thể chia sẻ gánh nặng gia đình với ba mẹ. Hiền đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ với dòng chữ ngoằn ngoèo: “Trước đây, nhiều lúc em cảm thấy bi quan, tuyệt vọng vì nghĩ mình là đồ bỏ đi, không thể làm được gì. Nhưng bây giờ em đã có việc làm. Em cảm ơn các cô, các chú ở Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi lắm”.
Được giới thiệu đến với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng, Hiền được học miễn phí nghề may trong 6 tháng và làm việc tại Công ty TNHH Tâm Ánh Minh trực thuộc Hội. Công việc hằng ngày của Hiền là cắt và ghép những mảnh vải nhỏ thành tấm vải lớn để phục vụ việc vệ sinh của những đơn vị vận tải. Thu nhập mỗi tháng của Hiền khoảng 1,5 - 3 triệu đồng.
Cùng lớp gia công may của Hiền còn có Trần Thị Khánh Hà (20 tuổi, ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Hà bị thiểu năng trí tuệ nên trước đây chủ yếu chỉ quanh quẩn trong nhà. Ngày Hà được học nghề và làm gia công vải ở Công ty TNHH Tâm Ánh Minh, mẹ Hà không thể tin con mình làm được việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến bây giờ, Hà đã trở thành cô thợ khá lành nghề với mức thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Hơn cả những đồng tiền kiếm được, với Hà hay Hiền, được làm việc tức là được sống, sống một cuộc sống có ích mới là điều quan trọng.
Chị Trịnh Thị Loan, người trực tiếp hướng dẫn 12 em khuyết tật nơi đây cho biết, mỗi em một dạng tật, một hoàn cảnh nhưng đều khá chăm chỉ và luôn cố gắng làm việc. Việc học nghề của các em khuyết tật cũng chậm hơn nhiều so với người bình thường và thường thì cô giáo phải hướng dẫn rất cặn kẽ từng em.
Tiếp tục hành trình nhân ái
Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội cho biết, trong 5 năm qua, các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ Hội 12 máy may công nghiệp. Nhờ đó, Hội tổ chức các hoạt động dạy nghề miễn phí cho hàng chục em khuyết tật. Sau khi học nghề từ 9 - 12 tháng, các em được làm việc ngay tại Công ty TNHH Tâm Ánh Minh và có nguồn thu nhập để tự nuôi sống bản thân. Ngoài ra, Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội còn tổ chức dạy miễn phí cho gần 300 người khuyết tật với các nghề: may, thêu thủ công, in thủ công và chế biến thực phẩm, làm hương, thủ công mỹ nghệ, trang trí hoa voan, chăm sóc da... với thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng/khóa.
Ngoài ra, nhắc đến Hội không thể không kể một loạt hoạt động đầy ý nghĩa khác tại các cơ sở trực thuộc. Đó là 50 trẻ mồ côi được nuôi dạy tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai, hay như 61 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi Đà Nẵng...
Những mảnh đời bé bỏng, bất hạnh được đưa về các cơ sở của Hội, được sưởi ấm bởi những tấm lòng của các cán bộ Hội và của các nhà hảo tâm luôn đồng hành sẻ chia. Không chỉ giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Hội còn thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt để hỗ trợ những em tự kỷ. Đến nay, từ Trung tâm này, 65 em đã hoàn thành quá trình can thiệp và tiếp tục đi học tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn...
“Vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, những trẻ em bất hạnh cần được giúp đỡ nên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động để hỗ trợ các em”, ông Long nói. Những ngày này, các cán bộ Hội lại tất bật chuẩn bị những chuyến xe chở đầy phần quà Tết đong đầy niềm vui đến với trẻ em nghèo, bất hạnh trên địa bàn thành phố. Mùa xuân năm nay dường như đến sớm hơn...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ