Chính trị - Xã hội

Một biểu tượng đẹp

08:31, 01/01/2017 (GMT+7)

Chiều nay, thêm một lần tôi trở lại bên bờ sông Hàn, ngước  nhìn lên tòa cao ốc, như hai ngọn thép bạc vút lên cao quá tầm nhìn, lóng lánh màu đá trắng, lộng lẫy màu mây trời. Tòa cao ốc mang tên Indochina Riverside Towers, uy nghi trọn một góc phố với ba mặt tiền trên các đường Trần Phú, Bạch Đằng và Phan Đình Phùng. Nơi đây, ngày ấy là cơ quan Lãnh sự quán Mỹ tại Đà Nẵng.

Những chiếc cầu nối nhịp bờ vui. 						            Ảnh: ĐẶNG NỞ
Những chiếc cầu nối nhịp bờ vui. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Nhớ lại, sau ngày tiếp quản bộn bề công việc, ngôi nhà bị Lãnh sự quán Mỹ đốt trước khi bỏ chạy, được người Đà Nẵng chọn làm nhà “Trưng bày chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ”. Đến khi thực hiện “Đổi mới”, liền “khép lại quá khứ”, dành khu nhà “Chứng tích” cho một “công ty đầu tư nước ngoài”.

Sau khi đền bù  chuyển 9 hộ dân ở quanh khu nhà và toàn bộ “chứng tích” đi chỗ khác, xe cày, máy ủi  đã  xóa sạch khu nhà, còn lại là bãi đất đá ngổn ngang phơi nắng dầm mưa, nhức nhối gần chục năm trời. Cho đến khi thành phố chuyển giao cho nhà đầu tư Indochina Capital, sự hiện diện của tòa cao ốc như một trong những công trình của Đà Nẵng, của đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bến sông này từng có một con phà. Từ sáng tinh mơ đến chiều tắt nắng, cả khi đêm xuống, phà sông Hàn ầm ì gồng mình qua lại trên sông nặng khẳm người, hàng hóa và những câu chuyện râm ran, những kỷ niệm buồn vui. Phà sông Hàn đã lặng lẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, từ biệt dòng sông, khi chiếc cầu mang tên Sông Hàn kiêu hãnh vắt qua sông.

Cầu Sông Hàn là một dấu mốc, một biểu tượng đẹp. Là một công trình có sức bứt phá vô cùng quan trọng để mở rộng Đà Nẵng trên mọi chiều kích. Quận Ba từ bao đời xem như làng quê ngoại thành, mang tiếng là thành phố nhưng điện, nước, đường, trường… thì không hơn nông thôn thời chưa đổi mới.

Nay, phía bắc quận Ba là quận Sơn Trà với vịnh biển Sơn Trà đẹp nhất nhì biển đẹp thế giới, phía Nam, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Thoại là quận Ngũ Hành Sơn, khách sạn 3 sao, 4 sao, 5 sao chen nhau, cùng những hàng ăn, quán uống mọc lên ken kín. Những khu phố mới khang trang, sang trọng. Những khu chung cư, những khu tái định cư - ưu tiên cho bao hộ dân từng phải chui rúc ở nhà chồ, chỗ trú tạm bợ trong kiệt, trong hẻm đã xóa đi dấu vết của một vùng đất lam lũ làng quê và lạc hậu.

Chưa bao giờ không khí thi đua lao động nhân kỷ niệm lần thứ 25 Ngày giải phóng Đà Nẵng rầm rập, sôi nổi như ngày ấy. Cả Đà Nẵng là một công trường xây dựng. Nhiều con đường như Quang Trung, Trần Cao Vân, Điện Biên Phủ… vốn chật, hục hang, ghồ ghề đất, đá dăm, được mở ra rộng thênh thang, đường mở đến đâu nhà mới mọc lên khang trang.

Đường Bắc - Nam nay là đường Hàm Nghi, đường Đông - Tây (nay là đường Nguyễn Văn Linh), khu dân cư Bàu Thạc Gián, đưa chiếc Cầu Vồng nhìn xuống sân vận động Chi Lăng vào dĩ vãng tạo ra con đường Lê Duẩn mở rộng. Đường mở ra đến đâu, nhà dân hai bên lập tức lên tầng, xây mới, hàng quán mở cửa buôn bán từ tinh mơ đến khuya lơ.

Cầu Sông Hàn, mỗi ngày nối thêm một nhịp mới, cùng với công trình trọng điểm đường Bạch Đằng Đông, nay là đường Trần Hưng Đạo, quyết làm thay đổi một cách cơ bản vùng đất rộng lớn còn nghèo của sông Hàn - Cách mạng thành một vùng đất cho phát triển kinh tế-xã hội của phía Đông Đà Nẵng.

Những ngày ấy, sáng, chiều, hàng trăm cán bộ, nhân dân đến với những công trình lịch sử, theo dõi từng bước tiến độ, lòng ai cũng rạng rỡ, reo vui. Các đội thi công làm không kể ngày đêm, phơi nắng, dầm mưa, quyết tâm đưa cầu Sông Hàn vào khánh thành đúng ngày 29-3-2000, tròn 2 năm sau ngày phát lệnh khởi công, tròn 3 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng tổ chức trọng thể, trên Chủ tịch đoàn có mặt nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Phan Diễn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân…

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 29-3-2000, trước khi cắt tấm băng đỏ giăng ngang qua bùng binh ngã tư đường Trần Phú - Lê Duẩn, ngay đầu cầu Sông Hàn thì Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Hợp doanh xây lắp- đơn vị thi công cầu Sông Hàn cùng 10 vị khác được khen đầu tiên trịnh trọng bước lên bục danh dự nhận bằng khen do Chủ tịch thành phố ký và trao tận tay. Vào lúc 17 giờ ngày 30-3-2000, khi đang mở tiệc chiêu đãi hoàn thành cầu Sông Hàn trong một phòng khách VIP tại khách sạn Phương Đông, thì Phạm Minh Thông bị bắt vì tham nhũng.

Ở tù mấy năm rồi ai cũng được tha. Gặp lại Nguyễn Hưng (cũng bị bắt vào dịp đó), trước cổng ngôi nhà đẹp của anh, trong câu chuyện mới, Nguyễn Hưng nhớ mãi ngày bị bắt, anh chỉ có một yêu cầu lực lượng áp tải cho xe chạy một vòng qua cầu Sông Hàn, chiếc cầu có công ty của mình góp sức, ngày mai sẽ được khánh thành.

Qua cầu Sông Hàn, ghé thăm xem ngôi nhà mới xây thật đẹp, Phạm Minh Thông mời tôi uống rượu thuốc và đọc cho tôi nghe mấy bài thơ anh mới viết thật tình tứ và xúc động. Còn nhớ, trước đó, tác phẩm “Tấm lòng người thợ xây lăng Bác Hồ” của anh đoạt giải C Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật, về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013-2015.

Dịp kỷ niệm 29-3 năm rồi, anh cũng đã có hồi ức ghi lại cuộc chạy thử cơ cấu quay của cầu Sông Hàn trên đất Thượng Hải-Trung Quốc đăng trên Báo Đà Nẵng. Anh viết như một nén hương tưởng nhớ anh Nguyễn Bá Thanh: “Nếu không có anh làm chủ đầu tư thì nhà thầu có giỏi mấy cũng không thể hoàn thành chiếc cầu quay lịch sử bắc qua sông Hàn đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng”.

Thành phố trải qua một giai đoạn phát triển trong đau đớn. Chuyện buồn, đau hôm qua bị dòng thời gian nghiêm khắc cuốn trôi về dĩ vãng, dồn tình yêu và hy vọng tốt đẹp cho tương lai. Tôi bỗng nhớ câu hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thơ Bùi Minh Quốc: Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu...!

 Cùng với chỉnh trang đô thị, xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, có nếp sống văn hóa, văn minh, lần lượt thêm những chiếc cầu mới bắc qua sông Hàn, sông Cẩm Lệ, nhằm đáp ứng với đà phát triển và lưu thông. Dẫu có thuận lợi hơn, vì đã có vốn do chủ trương đổi đất xây cơ sở hạ tầng, nên không phải huy động thêm sức dân như cầu Sông Hàn. Tuy nhiên, đâu đã thuận buồm xuôi gió.

Cái thiết kế cầu Rồng vừa được thông qua thì bị báo chí và dân kêu: Sao để cái Cổ viện Chàm phải rúc dưới gầm cầu Rồng? Thấy ý kiến phản ứng quá căng và không sai, sau bao cuộc luận bàn, cầu Rồng được cắt ngắn, lui ra sát bờ sông Hàn như ngày nay. Khi làm thiết kế cây cầu Thuận Phước, cũng không ít ý kiến bàn ra… vẫn không ngăn được quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng những người ủng hộ và những kỹ sư cùng công nhân kỹ thuật lành nghề giàu kinh nghiệm.

Trong thời gian chỉnh trang, mở đường… phải va chạm hàng vạn hộ dân, với hàng ngàn yêu sách, hàng trăm thắc mắc khác nhau. Phải tiếp xúc, phải giải quyết làm sao cho dân đồng tình, với mục tiêu tối thượng là vì người dân.

Có một số vụ kêu kiện căng thẳng, có lẽ căng nhất là vụ Cồn Dầu, ngoài Ban đền bù giải tỏa giải trình, riêng ông Nguyễn Bá Thanh có đến 6 lần trực tiếp đối thoại với bà con giáo dân, các linh mục... Thành phố trở nên thông thoáng và đẹp như ngày hôm nay là tổng hợp công sức của biết bao nhiêu người, trong đó, những nỗ lực không mệt mỏi làm cho nhân dân đồng thuận, sự thuận tình của nhân dân là một hành trình đầy tâm huyết và sáng tạo.

Đâu chỉ có đất dọc theo ven biển Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, cả đất xã từng thấp lụt bao đời Hòa Xuân, Hòa Quý, khi có cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Khuê Đông… thì nhà đẹp mọc lên, giá đất leo đỉnh của giá... Về đêm, đủ loại xe hối hả ngược xuôi, xe chở gia đình, bạn bè đi ăn, đi tiệc tùng đậu nối nhau sát lề đường. Ngoài đặc sản Việt,  các tiệm ăn Nhật, Hàn, Tàu, Thái, Ấn, Lào… lần lượt có mặt trong muôn sắc màu ẩm thực ở Đà Nẵng.

 Đêm ven biển, dưới trời xanh, sao sáng và ánh điện mờ mờ, liên hồi sóng trắng vỗ rì rầm, quyến rũ bao người thả bước. Đêm ven sông Hàn, lung linh ánh sáng muôn màu, nhộn nhịp. Tình cờ, bật ti-vi thấy Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến tận gia đình trong kiệt tặng hoa và giấy khai sinh cho em bé vừa chào đời. Hình ảnh thật đẹp, thật giá trị, gây nhiều bất ngờ và xúc động. Gia đình, ai cũng rưng rưng, muốn cám ơn mà không thốt nên lời…

Câu chuyện nhỏ, như một thông điệp mới nhằm hướng tới cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, để cho mọi người dân, kể cả trẻ em đều hưởng thụ dịch vụ công mà chính quyền mang lại. Từ một biểu tượng đẹp, mỗi ngày thêm một nghĩa cử đẹp, thật đẹp, sẽ có thêm sự đồng thuận tin yêu của người dân, góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, đáng yêu, đáng sống hơn!

Hồ Duy Lệ

.