Chính trị - Xã hội
Nghị lực vượt nghèo
20 tấm gương thoát nghèo vừa được biểu dương trong giai đoạn 1997-2016, do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đà Nẵng tổ chức vừa qua đều giống nhau ở ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn.
Với nghề làm bún, chị Nguyệt không chỉ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho vài lao động khác. |
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt (ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là một trong những gương điển hình thoát nghèo bền vững được biểu dương. Lấy chồng, chị được ba mẹ cho một khoảnh đất nhỏ đủ để dựng tạm mái nhà tranh.
Chồng không có việc làm ổn định, thu nhập lúc có lúc không, chị Nguyệt bán bánh mì ở chợ Túy Loan nhưng buôn bán khá ế ẩm nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Đã có lúc chị tưởng chừng cuộc sống bế tắc khi phải chạy ăn từng bữa, không còn tiền mua thuốc cho con nhỏ đang bị bệnh.
Nằm trong chương trình giảm nghèo của địa phương, gia đình chị được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các con được miễn giảm học phí nên cuộc sống cũng đỡ phần vất vả. Sau đó, chị bàn với chồng vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm ăn.
Có được nguồn vốn trong tay, vợ chồng chị mở lò ép bún tươi tại nhà. Vậy là ngày ngày, vợ làm bún tươi, chồng mang đi bỏ mối tại chợ Túy Loan và các quán ăn. Thấy nước bún đổ đi lãng phí, chị Nguyệt mua thêm mấy con heo về nuôi. Từ đó, cuộc sống gia đình chị dần ổn định và thoát nghèo. Không chỉ vậy, hiện nay, lò bún của chị còn tạo việc làm cho 2 lao động cũng thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn.
Trường hợp thoát nghèo của chị Lê Thị Ái Nhung (47 tuổi, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng khiến nhiều người khâm phục. Khi đứa con thứ hai bị tật nguyền vừa chào đời, chồng chị Nhung buồn chán bỏ ba mẹ con đi biệt tích. Nỗi đau khiến chị Nhung ốm liệt giường nhưng nghĩ đến hai đứa con thơ không ai chăm sóc, chị cố gượng dậy.
Năm 2008, chị Nhung được địa phương xét bố trí một căn hộ chung cư dành cho phụ nữ đơn thân nuôi con ở phường Hòa Minh. Có nơi ở ổn định, chị gửi con ở nhà trẻ và xin vào làm công nhân với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng.
Thuộc diện hộ nghèo, mẹ con chị Nhung được cấp thẻ BHYT, hỗ trợ vật dụng gia đình, học bổng… Đồng lương công nhân không bảo đảm nuôi các con, được sự hỗ trợ của địa phương, chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở quán cà-phê gần nhà.
Thương cô chủ quán chịu khó, tính tình dễ thương, khách đến quán ngày càng đông giúp mấy mẹ con chị ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Bây giờ, con trai lớn của chị đã có việc làm và có thể phụ giúp mẹ chăm em. Ngoài ra, chị Nhung còn tham gia công tác phụ nữ với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh như mình thoát khỏi khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, qua gần 20 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đời sống đại bộ phận hộ nghèo thành phố được nâng lên gấp nhiều lần, trong đó có nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo bền vững như chị Nguyệt, chị Nhung...
Đặc biệt, Đà Nẵng ban hành những chính sách đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo như: trợ cấp hằng tháng đối với người bị bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo thuộc diện hộ nghèo mức 500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ thêm 300.000-500.000 đồng/người/tháng cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc người già yếu, khuyết tật không có khả năng lao động chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội…
“Từ chỗ chủ yếu lo giảm nghèo về lương thực, thành phố tiến đến giảm nghèo theo hướng đa chiều. Hầu hết hộ nghèo tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản. Ngoài ra, cần phải kể đến sự phấn đấu của hàng chục ngàn hộ nghèo. Số hộ thoát nghèo hằng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra, mục tiêu giảm nghèo về đích trước thời hạn là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị xã hội”, bà Hương nói.
KIM NGÂN – HỒ ĐẠT