Trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin sắp tới Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội chủ trương “...các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định khoảng cách sinh và số con”. Nghe thông tin này, nhiều người hiểu rằng, phương án điều chỉnh mức sinh trong dự thảo Luật Dân số mang tính “nới lỏng”, đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng được sinh con “thoải mái”. Tuy nhiên, thực tế không đúng như thế.
Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Dân số với 2 phương án: phương án 1 là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con; phương án 2 là tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con, sinh 1 hoặc 2 con (trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định). Nhiều chuyên gia cho rằng, các phương án trên đều có cả những ưu điểm lẫn hạn chế.
Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đạt mức sinh thay thế là 2,1 con. Trong 5 năm tới, nếu mức sinh thấp hơn hiện tại (2,1 con) thì mới xem xét chuyện nới lỏng vì nếu cho phép sinh con thoải mái ở thời điểm hiện tại, có thể sẽ bùng nổ dân số. Theo tính toán, nếu tỷ suất sinh đạt 2,3 - 2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2049, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 140 triệu người. Khi đó, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và thứ 16/51 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á. Chủ trương “các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con” phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết, bảo đảm quyền con người và quyền sinh sản nhưng lại dễ xảy ra nguy cơ bùng nổ dân số trở lại, trong khi chúng ta chưa có căn cứ pháp lý để xử lý tình trạng vi phạm sinh nhiều con. Nhận thức và hành vi của người dân đã thay đổi rất nhiều và chấp nhận chỉ sinh 2 con để nuôi dạy tốt. Đến nay, chúng ta đã đạt mục tiêu ấy, sớm hơn 10 năm so với thời hạn (năm 2005 so với thời hạn năm 2015).
Việt Nam đã thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ và có chính sách khuyến khích cả vật chất lẫn tinh thần, bảo đảm nhân lực cho phát triển; phù hợp với tình hình thực tế khi mức sinh ngày càng giảm, những địa phương có mức sinh còn cao như các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung- Tây Nguyên vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh để đưa mức sinh đạt mức sinh thay thế; còn các địa phương có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức sinh thay thế thì tiếp tục duy trì thành tựu này. Dù các cặp vợ chồng được quyết định số con, nhưng Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con. Hơn nữa, mỗi giai đoạn, từng địa phương lại quy định chính sách để duy trì mức sinh thay thế, không phải tùy tiện sinh 3-4 con mà cần giảm sinh ở những địa phương có mức sinh cao, khuyến khích sinh ở những nơi sinh ít để kéo dài được giai đoạn “dân số vàng”. Phương án đưa ra trong dự thảo Luật Dân số là nội dung đang điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đó là điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động sinh ít con trước đó phù hợp hơn với tình hình thực tế chung của đất nước, sự khác biệt về những kết quả giảm sinh mà các địa phương đã đạt được cũng như thực hiện theo Kết luận 119 của Ban Bí thư ngày 4-1-2016 nhằm duy trì mức sinh thay thế trong thời gian càng dài càng tốt.
Từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, dự báo kéo dài khoảng 40 năm nhưng chúng ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2012, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032. Dân số Việt Nam tiếp tục tăng, tạo sức ép trong việc ổn định quy mô dân số cũng như cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Vì vậy, chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trước đây chỉ tập trung nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì nay chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, phạm vi rộng lớn hơn nhiều, điều chỉnh linh hoạt hơn để tăng chất lượng dân số, duy trì cơ cấu dân số vàng kéo dài nhất; ứng xử với nguy cơ già hóa dân số sớm, chênh lệch giới tính... để tận dụng cơ cấu dân số vàng phát triển kinh tế - xã hội.
Một bộ phận người dân có thể hiểu lầm rằng sẽ được sinh “thoải mái”. Trước đây, bình quân một phụ nữ sinh khoảng 5-6 người con. Nhưng thực tế hiện nay, thực trạng này không còn nhiều, quy mô gia đình ít con đã được định hình trong nhận thức và hành vi của đa số người dân, nhất là giới trẻ. Do đó, phải tính đến những yếu tố tác động qua lại giữa phát triển kinh tế, xã hội và công tác dân số trong thời gian sắp tới. Với tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh và việc hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ có những tác động không nhỏ đến sự biến đổi xã hội, nhất là trong hành vi sinh đẻ của người dân. Đây là một trong những lý do chúng ta tiến hành điều chỉnh mục tiêu của cuộc vận động về sinh đẻ hợp lý hơn.
MINH TUẤN